Colic – Hội chứng quấy khóc ở trẻ sơ sinh
Sự phát triển sớm của trẻ
Colic – một số nơi gọi là khóc dạ đề, là khi một em bé khỏe mạnh khóc kéo dài không có lý do rõ ràng. Đây là tình trạng thường gặp không thể kiểm soát ở trẻ khỏe mạnh trong 6 tháng đầu đời và được ghi nhận ở 10-40% trẻ sơ sinh trên toàn thế giới.
Hội chứng quấy khóc ở trẻ sơ sinh là gì?
Hội chứng quấy khóc ở trẻ sơ sinh thường bắt đầu vài tuần sau sinh và đỉnh điểm vào khoảng 6 tuần. Giữa tháng thứ 3-4, tình trạng này thường được cải thiện đáng kể. Bé có thể đang trong tình huống này nếu thấy bố mẹ nhận thấy bé khóc hơn 3 giờ một ngày, 3 ngày một tuần trong ít nhất 1 tuần.
Mặc dù hội chứng này không phải là bệnh nhưng nó có thể khủng hoảng đối với bố mẹ.
Những dấu hiệu của khóc dạ đề là gì?
- Các triệu chứng xảy ra khi bé dưới 5 tháng tuổi
- Khóc không vì lý do gì ngay cả khi đã cho bú và thay tã
- Bắt đầu khóc vào buổi tối hoặc cùng một thời điểm mỗi ngày
- Âm thanh dữ dội hơn bình thường, gào thét hơn là khóc
- Không thể ngăn chặn, giải quyết và xoa dịu các cơn quấy khóc dài và lặp lại ngay cả khi cho ăn và đung đưa
- Trẻ không bị chậm phát triển, sốt hay ốm
Nguyên nhân gây hội chứng quấy khóc ở trẻ sơ sinh là gì?
Hội chứng quấy khóc ở trẻ sơ sinh vẫn còn là một điều bí ẩn mà chúng ta chưa có câu trả lời chắc chắn về nguyên nhân. Sau đây có thể là các nguyên nhân gây ra hội chứng này:
- Tính khí nhạy cảm và cần được chú ý nhiều hơn
- Hệ thần kinh kém phát triển
- Nhạy cảm quá mức với các kích thích
- Trẻ bú sữa mẹ có thể bị xáo trộn do chế độ ăn của mẹ (Các nghiên cứu cho thấy colic có sự liên hệ với các mẹ uống sữa bò)
- Trẻ bú sữa công thức cảm thấy khó chịu với chất đạm nào đó trong sữa công thức
- Bú quá nhiều
- Đầy hơi do nuốt hơi quá nhiều khi khóc
- Không ợ hơi sau khi bú
- Trào ngược axit vào thực quản
Bố mẹ nên làm gì?
Thảo luận với bác sĩ nhi khoa về tiếng khóc của con. Bác sĩ có thể tìm ra nguyên nhân tiềm ẩn như các vấn đề về đường ruột hoặc nhiễm trùng đường tiết niệu và bác sĩ có thể kiểm tra liệu bé có phát triển bình thường không.
Các cách đối phó với hội chứng này:
- Chuẩn bị cho bú trước khi đến cữ của bé để tránh bị phân tâm khi bé khóc
- Hãy nhờ bố hoặc các thành viên trong gia đình giúp mẹ trông trẻ trong thời điểm khó khăn này
- Khi cơn khóc ập đến có thể khiến bố mẹ bối rối, hãy đặt bé xuống ở một nơi an toàn và dành thời gian để trấn tĩnh bản thân và nhắc nhở bản thân rằng điều này sẽ qua nhanh và những ngày hạnh phúc vẫn còn đang chờ đợi mẹ
- Hãy cố gắng ngủ bất cứ khi nào bé ngủ để mẹ được nghỉ ngơi
- Hãy nhớ rằng điều này không có nghĩa là con không khỏe, đó không phải là lỗi của bố mẹ và bố mẹ không làm gì sai cả. Đó là hội chứng quấy khóc ở trẻ sơ sinh và nó sẽ tự khỏi.
Các tác động lâu dài
Hiện vẫn chưa rõ hội chứng quấy khóc ở trẻ sơ sinh có gây ra các tác động lâu dài về thể chất hoặc tâm lý đối với con hay không. Một số nghiên cứu cho thấy rằng trẻ sơ sinh không được điều trị sau khi mắc hội chứng này thể hiện các hành vi tiêu cực khi được 2 đến 3 tuổi. Trẻ nhỏ được điều trị bằng phương pháp chăm sóc nắn bóp có khả năng không bị di chứng lâu dài của hội chứng này như tính khí nóng nảy.
Đã chứng nhận:
Bao Tri Tran (1 June 2023)
Nguồn:
- The New Rome IV Criteria for Functional Gastrointestinal Disorders in Infants and Toddlers, National Center for Biotechnology Information
- Long-term Effects of Infant Colic: A Survey Comparison of Chiropractic Treatment and Nontreatment Groups, National Center for Biotechnology Information
- Infantile Colic: Recognition and Treatment, JEREMY D. JOHNSON, MD, MPH; KATHERINE COCKER, DO; and ELISABETH CHANG, MD, Tripler Army Medical Center, Honolulu, Hawaii
- Colic in Babies, Web MD
- Colic, NHS