Đau bụng trong tam cá nguyệt thứ ba
Chăm sóc mẹ bầu

Đau bụng hay đau quặn bụng là triệu chứng phổ biến trong thai kỳ. Mặc dù các triệu chứng này thường gặp trong suốt thai kỳ, chúng vẫn có thể là dấu hiệu của một vấn đề nghiêm trọng cần được kiểm tra y tế.
Các triệu chứng nào là vô hại?
Có thể không cần lo ngại nếu cơn đau nhẹ và mất đi khi mẹ thay đổi tư thế, nghỉ ngơi, đi vệ sinh hoặc xì hơi. Những cơn đau bụng vô hại có thể âm ỉ hoặc dữ dội, thường do:
- Đau dây chằng: khi dây chằng căng ra để nâng đỡ cho tử cung đang lớn lên – mẹ có thể cảm thấy như bị đau nhói một bên bụng dưới
- Táo bón
- Đầy hơi
Các triệu chứng nào cần được kiểm tra ngay lập tức?
Mẹ nên liên hệ với bác sĩ hoặc đi đến bệnh viện ngay lập tức nếu mẹ bị đau kèm theo:
- Chảy máu âm đạo hoặc ra đốm máu
- Đau quặn bụng hoặc đau thắt bụng thường xuyên
- Tiết dịch âm đạo bất thường
- Đau vùng lưng dưới
- Tiểu đau hoặc tiểu rát
- Đau dữ dội hoặc không hết đau sau khi nghỉ 30 đến 60 phút
Các tình trạng gây đau bụng và cần được kiểm tra khẩn cấp bao gồm:
- Tiền sản giật: Đau ngay dưới xương sườn khá phổ biến trong cuối thai kỳ do thai nhi đang lớn và tử cung đẩy lên dưới xương sườn. Nhưng nếu cơn đau dai dẳng, đặc biệt là đau vùng dưới sườn bên phải, đó có thể là dấu hiệu của tiền sản giật (huyết áp cao khi mang thai) và mẹ sẽ cần phải được theo dõi tại bệnh viện. Các triệu chứng có thể gồm đau đầu dữ dội, thị giác có vấn đề, và phù chân, tay, mặt.
- Chuyển dạ sinh non: Nếu mẹ mang thai chưa đến 37 tuần và đau bụng thường xuyên, hãy đến khám bác sĩ ngay. Đó có thể là dấu hiệu chuyển dạ sinh non.
- Nhau bong non: Đây là khi nhau thai bắt đầu bong ra khỏi thành tử cung, thường gây xuất huyết âm đạo và đau bụng dữ dội dai dẳng, không phải dạng đau rồi hết đau như cơn gò tử cung bình thường. Đôi khi đây là một trường hợp cấp cứu vì nhau thai không thể hỗ trợ cho thai nhi.
- UTI (nhiễm trùng đường tiết niệu): UTI thường gặp ở phụ nữ mang thai và thường có thể được điều trị dễ dàng. Chúng có thể gây đau bụng và đôi khi đau khi đi tiểu.