15 vấn đề thường gặp khi cho con bú sữa mẹ
Cho con bú là món quà tuyệt vời mà tạo hóa ban tặng cho người mẹ sau hàng triệu năm tiến hóa. Nhưng nhiệm vụ tưởng chừng như bản năng ấy lại đầy thử thách và chẳng hề dễ dàng.
Nếu mẹ gặp khó khăn khi cho con bú, đừng ngại ngần hay xấu hổ, hãy nhờ sự hỗ trợ từ bác sĩ, nữ hộ sinh, chuyên gia tư vấn sữa mẹ hoặc các bà mẹ giàu kinh nghiệm.
Dưới đây là 15 vấn đề thường gặp khi nuôi con bằng sữa mẹ và giải pháp khắc phục:
Ít sữa: Cơ thể mẹ sản xuất sữa theo nhu cầu của con. Nếu mẹ không cho con bú thường xuyên hoặc thời gian một cữ bú quá ngắn, cơ thể mẹ sẽ hiểu nhầm rằng con không cần bú nữa và giảm sản xuất sữa. Mẹ có thể xác định xem con có bú sữa đủ không bằng cách kiểm tra số lượng bỉm hoặc tình trạng phân của bé mỗi ngày. Kiểm tra cân nặng của con cũng là một cách hữu ích. Nếu con của mẹ chưa bú đủ, hãy cố gắng cho con bú thường xuyên hơn và đảm bảo con ngậm bắt vú đúng cách.
Sữa xuống quá nhiều: Trong một vài trường hợp, khi cho con của mẹ bú, sữa của mẹ xuống quá nhiều khiến con không kịp nuốt và có thể bị sặc. Lúc này, mẹ nên đổi sang tư thế khác để giảm bớt tốc độ chảy của dòng sữa và giúp con bú dễ dàng hơn.
Chảy sữa: Trong những tuần đầu sau sinh, tuyến sữa của mẹ đang điều tiết để thích nghi với nhu cầu của bé. Do đó, mẹ có thể bị chảy sữa, rỉ sữa hoặc phun sữa, đặc biệt khi nghe thấy tiếng khóc của con. Mẹ nên sử dụng miếng lót thấm sữa và mặc áo tối màu để hạn chế vết sữa thấm trên áo.
Đau hoặc nứt núm vú: Đây là vấn đề phổ biến khi nuôi con bằng sữa mẹ. Nguyên nhân thường do tư thế và kỹ thuật cho con bú chưa đúng cách. Để ngăn ngừa hoặc giảm bớt tình trạng này, mẹ nên lựa chọn tư thế thoải mái, thuận tiện khi cho con bú và hướng dẫn con ngậm được toàn bộ quầng vú. Ngoài ra, mẹ có thể bôi kem dưỡng chuyên dụng cho núm vú sau mỗi cữ bú để nhanh chóng làm dịu, làm lành vết nứt.
Căng sữa: Là hiện tượng bầu vú chứa đầy sữa khiến mẹ cảm thấy căng tức, nặng nề. Tình trạng này thường xuất hiện trong vài ngày đầu sau sinh khi cơ thể mẹ bắt đầu xuống sữa nhưng con chỉ bú được một lượng nhỏ. Tin vui là cảm giác khó chịu này sẽ biến mất sau vài ngày tới vài tuần. Để giảm bớt căng sữa, mẹ nên:
- Cho con bú thường xuyên
- Chườm nóng bầu ngực trước khi cho con bú, rồi chườm lạnh sau khi bữa bú kết thúc
- Massage bầu ngực trong lúc cho con bú
- Lựa chọn tư thế cho con bú phù hợp và thoải mái
- Mặc áo ngực vừa vặn, không quá chật
Núm vú phẳng hoặc tụt núm vú: Núm vú bình thường là núm vú nhô ra ngoài và vừa khít với miệng của con. Núm vú phẳng hoặc tụt núm vú sẽ cản trở bé ngậm bắt vú. Trong trường hợp này, nếu sữa vẫn xuống tốt, hãy đặt núm vú trên môi của con rồi dùng tay ép nhẹ quầng vú để giúp bé ngậm bắt vú dễ dàng hơn. Một cách khác, mẹ có thể sử dụng núm trợ ti. Còn trong trường hợp ít sữa, mẹ có thể dùng máy hút sữa để kích sữa trước khi cho con bú.
Ngậm bắt vú sai cách: Ngậm bắt vú đúng cách giúp sữa xuống đều và con có thể bú đủ, bú no. Tuy nhiên, con cần thời gian để luyện tập và thành thạo kỹ năng này. Nếu mẹ thấy đau núm vú trong lúc cho con bú hoặc con cáu khóc vì không mút được sữa, rất có thể nguyên nhân là do con ngậm bắt vú chưa đúng. Lúc này, mẹ nên áp dụng những mẹo dưới đây:
- Điều chỉnh lại tư thế của con sao cho đầu và thân người nằm trên một đường thẳng, mặt con đối diện với bầu vú của mẹ
- Dùng ngón tay ấn nhẹ quầng vú để núm vú nhô thẳng ra ngoài
- Chạm núm vú vào má con để kích thích con há miệng
- Nhanh chóng đặt núm vú và quầng vú vào miệng con
Tắc tia sữa: Là tình trạng ống dẫn sữa bị tắc nghẽn, dẫn đến ứ đọng sữa, tạo thành các cục lổn nhổn, sưng đau. Khi gặp tình trạng này, mẹ nên tiếp tục cho con con bú thường xuyên và hạn chế mặc áo ngực quá chật. Mẹ cũng có thể chườm ấm bầu vú và massage nhẹ nhàng để kích thích sữa lưu thông tốt hơn. Ngoài ra, hãy tham khảo ý kiến của chuyên gia massage vú để biết xoa bóp đúng cách.
Con ngủ gật trong lúc bú: Vài tuần đầu sau sinh, bé thường ngủ rất nhiều, thậm chí ngủ gật trong lúc bú mẹ. Ngoài ra, nguyên nhân có thể do dòng sữa chảy chậm và không đều. Nếu thấy con của mẹ bú chậm lại hoặc lim dim ngủ, mẹ có thể đổi sang bầu vú đối diện, vỗ ợ hơi, cù nhẹ vào lòng bàn chân con hoặc trò chuyện nhẹ nhàng với con.
Nhiễm trùng vú (Viêm tuyến vú): Nguyên nhân là do tắc tia sữa kéo dài hoặc mẹ bị nhiễm khuẩn. Dấu hiệu cảnh báo bao gồm: bầu ngực sưng, nóng, đau, mẹ có thể sốt nhẹ. Trong trường hợp này, mẹ nên đi khám càng sớm càng tốt.
Áp-xe tuyến vú: Xảy ra khi viêm tuyến vú không được điều trị đúng cách hoặc không đáp ứng với điều trị. Đây là tình trạng nhiễm trùng nghiêm trọng, có thể cần phẫu thuật dẫn lưu. Lúc này, mẹ không nên trì hoãn mà hãy tới bệnh viện ngay.
Tưa miệng: Đây là tình trạng khoang miệng của bé bị nhiễm nấm và có thể lây sang vú mẹ. Khi nhiễm nấm, núm vú của mẹ thường ngứa rát, sưng đau và đóng vảy. Nếu nghi ngờ mẹ hoặc con bị nhiễm nấm, hãy đi khám sớm vì có thể cần điều trị bằng thuốc diệt nấm.
Con có dị tật khoang miệng: Cứ 10 trẻ sơ sinh thì có 1 bé có bất thường khoang miệng, dẫn đến khó khăn khi ngậm bắt vú. Các dị tật khoang miệng bao gồm: dính thắng lưỡi, vòm miệng cao, hẹp hoặc bất thường ở cằm, hàm. Nếu bé có một trong các bất thường này, mẹ nên đưa con tới gặp bác sĩ.
Nhầm lẫn núm vú: Có thể xảy ra ở bé vừa bú bình vừa bú mẹ trực tiếp. Thông thường, con sẽ dễ dàng thích nghi và chuyển đổi giữa hai cách bú này. Tuy nhiên, một số bé có thể gặp khó khăn. Nếu con thích bú mẹ hơn bú bình, hãy tập cho con bú bình nhiều hơn, và ngược lại. Bởi lẽ mẹ khó có thể chỉ cho con bú mẹ hoặc chỉ cho con bú bình.
Phẫu thuật nâng ngực: Phẫu thuật nâng ngực không ảnh hưởng đến nuôi con bằng sữa mẹ. Tuy nhiên, nếu dây thần kinh hoặc ống dẫn sữa bị tổn thương trong quá trình phẫu thuật, khả năng cho con bú có thể bị ảnh hưởng. Nếu lo lắng về vấn đề này, mẹ nên trao đổi với chuyên gia tư vấn sữa mẹ. Ngoài ra, sử dụng máy hút sữa cũng là biện pháp thay thế hiệu quả.
Đã chứng nhận:
Trang Do Hanh (1 June 2023)