Dị ứng lạc ở trẻ nhỏ và cách phòng tránh
Trong 10 bé bị dị ứng thực phẩm, có 9 bé dị ứng với sữa, trứng, lạc, đậu nành hoặc lúa mì.
Mặc dù hầu hết các triệu chứng dị ứng đều nhẹ, nhưng một số bé có thể bị sốc phản vệ, dẫn đến tính mạng bị đe dọa. Dị ứng lạc thường xuất hiện ở thời thơ ấu và tồn tại suốt đời. Tuy nhiên, khoảng 20% các bé có thể hết dị ứng khi được 10 tuổi.
Nguyên nhân khiến con bị dị ứng lạc
Nguyên nhân chính xác dẫn đến tình trạng dị ứng lạc vẫn chưa được lý giải rõ ràng. Tuy nhiên, các chuyên gia y tế quan sát thấy nguy cơ dị ứng lạc của con tăng lên nếu bố mẹ có tiền sử dị ứng với bất kỳ tác nhân nào, dù không phải là dị ứng lạc. Ngoài ra, dị ứng lạc thường đi kèm với dị ứng trứng và chàm da (eczema).
Cơ chế của phản ứng dị ứng lạc
Cơ chế của phản ứng dị ứng lạc được gọi là quá mẫn. Khi cơ thể con lần đầu tiếp xúc với lạc, hệ miễn dịch sẽ sản xuất kháng thể chống lại tác nhân này. Đây là các kháng thể vĩnh viễn, tồn tại lâu dài trong cơ thể. Trong lần tiếp xúc tiếp theo, ngay cả khi con hít phải bụi chứa các phần tử nhỏ từ lạc, các kháng thể này sẽ nhanh chóng gây ra phản ứng dị ứng.
Dấu hiệu của dị ứng lạc
Biểu hiện điển hình của tình trạng dị ứng bao gồm phát ban, ngứa, sưng phù môi, mắt hoặc toàn bộ khuôn mặt, chảy nước mũi, nước mắt. May mắn thay, đây là những triệu chứng nhẹ. Trong trường hợp sốc phản vệ, con sẽ có biểu hiện nghiêm trọng hơn, bao gồm:
- Sưng nề cổ họng, dẫn đến khó thở, khó nuốt và ho liên tục
- Hạ huyết áp đột ngột khiến da và môi xanh tái
- Mệt lả hoặc ngất xỉu
- Buồn nôn, nôn trớ hoặc tiêu chảy
Lúc này, bố mẹ cần nhanh chóng đưa con tới cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu kịp thời.
Sẽ ra sao nếu con bị dị ứng lạc?
Nếu con của mẹ được chẩn đoán là dị ứng lạc, bố mẹ đừng quá lo lắng, bác sĩ nhi khoa và chuyên gia về dị ứng sẽ hướng dẫn bố mẹ cách quản lý và phòng ngừa, tùy theo tình trạng cụ thể của con. Khi hạn chế tiếp xúc với tác nhân gây dị ứng bằng cách kiểm tra thông tin trên bao bì thực phẩm và theo dõi biểu hiện dị ứng của con, tình trạng này sẽ được kiểm soát hiệu quả.
Có thể phòng tránh dị ứng lạc không?
Tới nay, chưa có phương pháp nào giúp ngăn ngừa hoặc chữa khỏi tình trạng dị ứng lạc. Nhiều tổ chức y tế trên thế giới khuyên bố mẹ nên cho bé từ 6 – 12 tháng tuổi ăn một chút bơ lạc vì tiếp xúc sớm với thực phẩm này có thể giảm bớt nguy cơ dị ứng. Nếu bố mẹ muốn thực hiện biện pháp này, hãy lưu ý rằng:
- Không cho con ăn cả hạt lạc để hạn chế nguy cơ nghẹn, sặc. Thay vào đó, bố mẹ nên nghiền nhỏ hoặc chế biến thành bơ lạc.
- Theo dõi biểu hiện của con sau khi ăn để nhanh chóng phát hiện dấu hiệu bất thường và xử trí kịp thời.
- Với những bé có nguy cơ cao (bé bị chàm nặng hoặc dị ứng trứng), bố mẹ nên tham khảo ý kiến của bác sĩ nhi khoa về việc xét nghiệm kiểm tra dị ứng lạc cho con.