Liệu mẹ có nên lo lắng về bệnh cảm cúm?

Cảm cúm có thể dẫn tới biến chứng viêm phổi nguy hiểm, từ đó ảnh hưởng nghiêm trọng tới trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ.
Cảm cúm là bệnh nhiễm trùng đường hô hấp do vi-rút gây ra. Bệnh ảnh hưởng đến mũi, họng, phổi và các bộ phận khác trên cơ thể.
Triệu chứng của cảm cúm
- Sốt cao đột ngột
- Đau nhức cơ bắp toàn thân
- Nhức đầu
- Ho khan
- Đau họng
- Sổ mũi
- Buồn nôn
- Nôn trớ và tiêu chảy
- Ớn lạnh hoặc rùng mình
- Chóng mặt
- Chán ăn, ăn kém
Cảm cúm rất dễ lây lan
Cảm cúm dễ lan truyền từ người này sang người khác thông qua giọt bắn nhiễm vi-rút được thải qua mũi, miệng khi ho và hắt hơi. Bé có thể nhiễm vi-rút qua đường hô hấp hoặc tiếp xúc tay, cốc và các vật dụng bị nhiễm bệnh khác. Trẻ từng nhiễm bệnh vẫn có thể thải lan truyền vi-rút trong vòng 1 tuần sau hết triệu chứng.
Bé mắc cảm cúm được điều trị thế nào?
- Nếu bé dưới 2 tháng tuổi, mẹ nên đưa con đi khám càng sớm càng tốt.
- Nếu con sốt trên 38,5°C, mẹ hãy cho bé uống thuốc hạ sốt có thành phần Paracetamol theo hướng dẫn sử dụng. Không dùng thuốc hạ sốt có thành phần Ibuprofen trừ khi có chỉ định của bác sĩ.
- KHÔNG BAO GIỜ cho bé uống Aspirin vì có thể gây ra hội chứng Reye – một hội chứng ảnh hưởng nghiêm trọng tới trẻ nhỏ.
- Nhỏ nước ấm hoặc nước muối sinh lý vào mũi con để giúp đường thở thông thoáng.
- Nếu bé ho và đau họng, mẹ nên tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi sử dụng bất kỳ loại thuốc nào.
Trong trường hợp con khó thở hoặc sốt kéo dài trên 3 ngày, mẹ hãy đưa bé đến bệnh viện ngay lập tức.
Phòng ngừa cảm cúm cho con
- Các bé từ 6 – 24 tháng tuổi có nguy cơ cao bị biến chứng do vi-rút cúm. Vì vậy, con cần được tiêm phòng cúm hàng năm.
- Tất cả thành viên trong gia đình cũng nên tiêm phòng cúm để giảm nguy cơ lây bệnh cho con.
- Giữ vệ sinh môi trường quanh bé và hướng dẫn con tự chăm sóc bản thân (ví dụ biết cách rửa tay).
- Dạy bé che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi.