Tháng thứ 1: Chăm sóc trẻ sơ sinh
Chào mừng bố mẹ đến với tháng đầu tiên của chặng đường hoàn toàn mới! Tiếp nối những tháng ngày mang thai kỳ diệu, hành trình tiếp theo – làm cha mẹ – đã chính thức bắt đầu.
Những tuần đầu tiên chắc chắn sẽ rất bận rộn vì cả bố mẹ và con đều phải học hỏi, thích nghi với những thói quen và kỹ năng mới.
Mẹ và bé sẽ như thế nào trong tháng thứ 1?
con của mẹ sẽ bú, ngủ và làm ướt rất nhiều tã. Trẻ sơ sinh ngủ nhiều hơn thức – khoảng 16-18 giờ mỗi ngày và 1-2 giờ cho mỗi giấc ngủ. Mỗi ngày, con cũng cần bú 8-12 lần và thay 4-8 chiếc tã.
Nếu sinh con lần đầu, mẹ có thể cảm thấy choáng ngợp trong vài tuần đầu sau khi ra viện. Cơ thể mẹ sẽ dần hồi phục sau sinh (về cả thể chất lẫn tinh thần với các biểu hiện như chảy máu, rách âm đạo, cơn co tử cung và trầm cảm sau sinh). Đây cũng là lúc để mẹ làm quen với những tiếng khóc khác nhau của bé, học cách cho con bú và thiết lập thói quen ngủ mới.
Hãy nhớ rằng, mẹ có thể nhờ đến sự hỗ trợ của mọi người xung quanh nếu vai trò mới này khiến mẹ quá đỗi căng thẳng. Để đảm nhiệm vai trò này dễ dàng hơn, mẹ cần học cách chăm sóc trẻ sơ sinh.
Chăm sóc và vệ sinh cho trẻ sơ sinh
Trong tháng đầu tiên, con của mẹ cần được chăm sóc đặc biệt hơn so với các giai đoạn khác vì hệ miễn dịch và tiêu hóa của con còn non yếu. Bác sĩ hoặc nữ hộ sinh có thể đã hướng dẫn mẹ sơ bộ cách vệ sinh cho con, bao gồm tắm rửa, chăm sóc các bộ phận nhạy cảm như cuống rốn, cũng như kiểm tra các dấu hiệu cho thấy con bú và tăng trưởng tốt.
Trong tháng này, bác sĩ có thể hẹn mẹ đưa con tới khám để đánh giá quá trình phục hồi sau sinh của mẹ và sự phát triển của bé.
Hướng dẫn chăm sóc trẻ sơ sinh
Cổ yếu: Cơ cổ của con vẫn đang phát triển, mặc dù đây là nhóm cơ có sức mạnh đầu tiên trên cơ thể. Cho con của mẹ nằm sấp vài phút mỗi ngày khi con thức ngay từ những tuần sau sinh giúp con tăng cường khả năng kiểm soát cơ bắp. Trước khi cơ cổ của bé phát triển khỏe mạnh, bố mẹ đừng quên nâng đỡ phần gáy của con.
Cuống rốn: Để tránh nhiễm trùng, bố mẹ hãy dùng gạc cầu thấm cồn để sát trùng rốn cho con 1 lần mỗi ngày. Lau cuống rốn từ gốc đến ngọn ở cả hai bên rồi để khô tự nhiên. Sau tuần đầu tiên, cuống rốn của bé sẽ tự rụng.
Các bộ phận nhạy cảm khác: Da của trẻ sơ sinh rất nhạy cảm, nên quần áo cần mềm mại, tránh gây kích ứng da. Ngoài ra, bố mẹ hãy giữ các vùng gấp của da – đặc biệt là vùng quanh cổ, phía sau đầu gối, khuỷu tay – khô ráo để con không bị phát ban. Tuy nhiên, không nên tắm cho con của mẹ quá thường xuyên vì có thể gây khô da và dẫn đến kích ứng.
Quần áo: Sau khi mặc quần áo cho bé, hãy kiểm tra để đảm bảo rằng bé không quá nóng hoặc quá lạnh. Cách tốt nhất là cảm nhận bằng cách sờ lưng hoặc bụng của con. Mặc quá nhiều quần áo có thể dẫn đến tăng thân nhiệt – một trong những nguyên nhân gây ra Hội chứng đột tử ở trẻ sơ sinh (SIDS). Trong những ngày trời lạnh, con dễ mất nhiệt qua da đầu. Vì vậy, hãy đội mũ cho con của mẹ khi ra ngoài để kiểm soát tốt nhiệt độ của con trong thời tiết rét lạnh. Tuy nhiên, bố mẹ không nên đội mũ cho con trong lúc con ngủ và khi ở trong nhà.
Sắp xếp giấc ngủ: Trẻ sơ sinh chưa phân biệt được ngày và đêm, nhưng bố mẹ có thể giúp con của mẹ làm quen bằng cách thay đổi môi trường ngủ theo nhịp ngày đêm. Ví dụ, giấc ngủ ngắn vào ban ngày ở trong phòng sáng hơn so với giấc ngủ dài vào ban đêm. Xây dựng thói quen trước khi ngủ, ví dụ tắm rồi cho con bú và kết thúc bằng một bài hát trước khi ru con ngủ, có thể giúp con tạo dựng nếp ngủ dễ dàng hơn khi lớn lên.
Khóc: Sau 9 tháng yên bình nằm trong bụng mẹ, trẻ sơ sinh có thể cảm thấy choáng ngợp và sợ hãi khi đột ngột bước sang thế giới mới. Đứng trước sự thay đổi này, một số bé có thể cảm thấy lo lắng kéo dài và phản ứng bằng việc khóc nhiều giờ liền. Bố mẹ hãy xoa dịu con của mẹ bằng cách cho con tiếp xúc da kề da hoặc quấn tã. Những mẹo này có thể giúp cả mẹ và bé thích nghi với cuộc sống mới dễ dàng hơn.
Mặt khác, con của mẹ có thể khóc vì đói, tã bẩn hoặc tiếng ồn lớn. Khóc là cách duy nhất để bé thể hiện nhu cầu của mình. Vì thế, hãy hồi đáp tiếng khóc của con bằng những cử chỉ nhẹ nhàng và giọng nói êm dịu càng nhiều càng tốt. Dần dần, bố mẹ sẽ biết cách phân biệt các tiếng khóc khác nhau của con và hiểu con cần gì trong từng trường hợp.
Bú và vỗ ợ hơi: Trẻ sơ sinh bú nhiều lần trong ngày, khoảng 1-2 giờ/ lần cả ngày lẫn đêm. Đôi khi, con có thể bị nấc, nhưng điều đó không có nghĩa là con của mẹ cần uống nước. Con bị nấc có thể do bú quá nhiều, nuốt quá nhiều khí hoặc bú quá nhanh. Vỗ ợ hơi sau khi bú sẽ đẩy bớt hơi trong dạ dày ra ngoài và hạn chế tình trạng khóc dạ đề. Ngoài ra, mẹ hãy cố gắng cho bé bú cả bữa đêm. Dạ dày của trẻ sơ sinh rất nhỏ và con cần bú thường xuyên nên không thể nhịn đói suốt đêm.
Tăng trưởng: Trong 2 tuần đầu sau khi sinh, cân nặng của bé thường sụt đi một chút. Con sẽ tăng cân trở lại sau khi học được cách bú sữa. Ngoài cân nặng, các dấu hiệu khác cho thấy con của mẹ đang phát triển tốt bao gồm phân có màu mù tạt, nước tiểu trong, da và tròng trắng mắt không vàng. Nếu bố mẹ nhận thấy phân, nước tiểu, da hoặc mắt của con có màu sắc bất thường, hãy tham khảo ý kiến của bác sĩ nhi khoa.
Tại sao chăm sóc trẻ sơ sinh lại quan trọng?
Chăm sóc tốt và đảm bảo vệ sinh cho bé trong những tuần đầu đời rất quan trọng cho sự phát triển của con. Đó chính là nền tảng khỏe mạnh và vững chắc để con của mẹ an tâm học hỏi cũng như thực hành các kỹ năng mới và cần thiết cho cuộc sống độc lập hơn trong những tháng tiếp theo.
Đã chứng nhận:
Trang Do Hanh (1 June 2023)