Tháng thứ 2: Làm quen với nhau
Bố mẹ và con của mẹ đang làm quen với nhau và bắt đầu hiểu nhu cầu, phản ứng của đối phương nhiều hơn.
Từ nay, khi bố mẹ và con hiểu nhau hơn, mọi thứ sẽ bớt mơ hồ so với tháng đầu tiên.
Mẹ và bé sẽ như thế nào trong tháng thứ 2?
Những tiếng khóc khác nhau của bé ngày càng dễ phân biệt vì con đang học cách giao tiếp. con của mẹ bắt đầu đi vào nếp ăn, nếp ngủ, nhờ đó mẹ sẽ dễ dàng sắp xếp lịch trình hàng ngày. Con đã có thể ngẩng đầu lên khi nằm sấp.
Quá trình phục hồi sau sinh sắp hoàn tất và mẹ có thể tập luyện nhẹ nhàng. Nhưng nếu mẹ vẫn cảm thấy khó chịu hoặc thể chất chưa trở về như trước khi mang thai, đừng lo lắng – cơ thể sẽ dần phục hồi theo tốc độ riêng của mẹ.
Hiện tại, hai mẹ con đã thoải mái hơn khi ở bên nhau. Vì vậy, mẹ có thể bắt đầu xây dựng sự gắn kết an toàn cho con của mẹ .
Gắn kết an toàn là gì?
Trong học thuyết gắn kết, những bé gắn kết an toàn với bố mẹ sẽ có góc nhìn tích cực về bản thân.Từ đó, con tự tin đứng lên sau vấp ngã để thử sức và đương đầu với thử thách vì con biết mình luôn được bố mẹ ủng hộ. Cảm giác an toàn cũng là trạng thái tinh thần tối ưu để bé học hỏi và phát triển vì toàn bộ năng lượng của con được sử dụng vào việc quan sát, khám phá thay vì thường xuyên ở trong trạng thái căng thẳng: chiến đấu hay bỏ chạy.
Bố mẹ xây dựng gắn kết an toàn với con bằng cách nào?
Tiếp xúc cơ thể: Tiếp xúc da kề da bằng cách ôm, bế, vuốt ve sẽ vỗ về, trấn an con, đặc biệt khi con của mẹ vẫn cần thời gian để thích nghi với môi trường mới bên ngoài tử cung của mẹ. Được ôm ấp và cảm nhận hơi ấm từ làn da của mẹ sẽ mang lại cho con cảm giác an toàn. Đây chính là nền tảng của mối liên kết bền chặt giữa mẹ và bé, giúp con xây dựng sự tự tin và khả năng đứng dậy sau vấp ngã trong tương lai.
Tiếp xúc bằng mắt: Khi cho con của mẹ bú mẹ hoặc bú bình, mẹ hãy cố gắng duy trì giao tiếp bằng mắt với bé. Dần dần con sẽ hiểu rằng đây là một cách thức giao tiếp mà con có thể sử dụng để bày tỏ nhu cầu và thể hiện cảm xúc của bản thân.
Nói, đọc, hát: Bé có thể nghe thấy âm thanh ngay từ khi còn trong bụng mẹ. Vì vậy, thường xuyên nói chuyện, hát và đọc sách cho bé sẽ củng cố sự an toàn và sự chú ý, từ đó thắt chặt mối quan hệ giữa hai mẹ con.
Đáp lại tiếng khóc của con: Bé sẽ khóc rất nhiều trong những tháng đầu đời, vì đây là cách duy nhất để bé thể hiện nhu cầu của bản thân. Mẹ hãy chú ý đến tiếng khóc của con của mẹ và đáp lại bằng những cử chỉ nhẹ nhàng, nhằm củng cố sự tin tưởng và giảm bớt cảm xúc lo lắng cho bé. Trẻ sơ sinh dễ bị giật mình nên đôi khi con khóc chỉ đơn giản vì muốn được quấn tã chặt lại để con cảm thấy giống như khi còn ở trong bụng mẹ.
Tại sao sự gắn kết lại quan trọng?
Gắn kết với con của mẹ là khởi đầu của sự gắn bó an toàn, là nền tảng cho sự phát triển lành mạnh của con. Nếu con cảm thấy bản thân có thể tin tưởng thế giới, con sẽ cởi mở khám phá những điều mới mẻ để học hỏi và phát triển.
Những bé cảm nhận được sự gắn kết sâu sắc với bố mẹ sẽ có kỹ năng kiểm soát cảm xúc xã hội tốt hơn. Vì vậy, bé thường duy trì được mối quan hệ tốt đẹp với mọi người xung quanh khi lớn lên. Ngoài ra, những bé có sự gắn kết chặt chẽ với bố mẹ thường học tập và làm việc tốt hơn, vì bé có thể kiểm soát cảm xúc và truyền đạt suy nghĩ của mình hiệu quả để hợp tác và giải quyết vấn đề.
Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, những em bé thiếu thốn tình cảm và sự quan tâm từ bố mẹ có nguy cơ mắc chứng trầm cảm và rối loạn lo âu cao hơn khi trưởng thành, đồng thời ít hạnh phúc và thành công hơn trong cuộc sống. Nếu không thể đáp ứng những yêu cầu và nhu cầu của con, bố mẹ có thể nhờ đến sự giúp đỡ của người thân và bạn bè.
Đã chứng nhận:
Trang Do Hanh (1 June 2023)