Thủy ngân từ cá có thể nhiễm vào sữa mẹ như thế nào?
Thủy ngân có mặt trong hầu hết các loại cá và hải sản có vỏ (nghêu, sò, ốc, hến…). Tuy nhiên, các loài cá lớn sẽ có hàm lượng thủy ngân cao hơn. Thủy ngân từ cá có thể nhiễm vào sữa mẹ và ảnh hưởng đến sự phát triển não bộ của con.
Vì thế, mẹ đang cho con bú nên tránh tiêu thụ các loại cá chứa hàm lượng thủy ngân cao.
Thủy ngân là gì?
Thủy ngân là một kim loại được tìm thấy trong môi trường tự nhiên. Nhưng các hoạt động công nghiệp của con người như trồng trọt, đốt than và sản xuất cũng góp phần gia tăng nồng độ thủy ngân trong môi trường. Hậu quả là thủy ngân có thể đi vào cơ thể nếu mẹ ăn các loại cá có chứa hàm lượng thủy ngân cao. Sau đó, thủy ngân tiếp tục truyền sang em bé thông qua sữa mẹ. Ở nồng độ cao, chất này sẽ gây hại đến sự phát triển não bộ của con.
Những con cá lớn thường nguy hiểm hơn những con cá bé bởi chúng ăn những con cá nhỏ hơn và tiếp nhận tất cả thủy ngân từ con mồi. Ngoài ra, các loài cá lớn thường có vòng đời dài hơn nên lượng thủy ngân tích lũy trong cá càng cao.
Thủy ngân gây hại cho con của mẹ như thế nào?
Thủy ngân tích tụ trong máu mẹ theo thời gian và được đào thải từ từ khỏi cơ thể qua phân, nước tiểu và sữa mẹ. Nếu mẹ ăn cá có hàm lượng thủy ngân cao, cơ thể mẹ cần tới 1 năm để đào thải toàn bộ chất này ra ngoài. Mặc dù nồng độ thủy ngân cao thường không gây ra các vấn đề nghiêm trọng về sức khỏe của mẹ nhưng chúng có thể ảnh hưởng đến quá trình phát triển não bộ của con.
Mẹ có nên ngừng ăn cá trong thời gian cho con bú không?
Nói chung, cá và hải sản có vỏ như nghêu, sò, ốc, hến… là nguồn thực phẩm tốt cho sức khỏe. Những món ăn này chứa ít chất béo bão hòa, giàu protein và nhiều dưỡng chất cần thiết khác. Ngoài ra, chúng cũng chứa omega-3,một loại axit béo thiết yếu mà cơ thể con người không tự sản xuất được. Một chế độ ăn uống cân bằng bao gồm cá và hải sản có vỏ có thể giúp mẹ có một trái tim khỏe mạnh cũng như rất tốt cho sự phát triển và tăng trưởng của trẻ.
Mẹ nên ăn loại cá nào và ăn bao nhiêu là hợp lý?
Cá mập, cá kiếm, cá thu vua và cá kình chứa hàm lượng thủy ngân cao; không nên ăn bất kỳ loại nào trong số này. Thay vào đó, mẹ có ăn tối đa 340g/ tuần (trung bình 2 bữa mỗi tuần) các loại cá và hải sản có vỏ chứa ít thủy ngân hơn. 5 loại cá có hàm lượng thủy ngân thấp được ăn phổ biến nhất là tôm, cá ngừ đóng hộp, cá hồi, cá minh thái và cá da trơn.
Đã chứng nhận:
Trang Do Hanh (1 June 2023)