Xử lý các vấn đề về hành vi của con
Một trong những thách thức khó khăn và đáng sợ nhất mà bố mẹ phải đối mặt là giải quyết các vấn đề về hành vi của con.
Nỗi trăn trở này thường bắt nguồn từ việc bố mẹ không có chiến lược hiệu quả để xử lý các hành vi sai trái và tình huống hỗn loạn do con gây ra.
Trước khi giải quyết vấn đề, bố mẹ hãy lùi lại một bước để xác định nguyên nhân gốc rễ của những hành vi đó. Hiểu lý do vì sao con hành động như vậy là cơ sở để uốn nắn hành vi cho con.
Nguyên nhân gây ra các vấn đề về hành vi của con
Có nhiều nguyên nhân khiến con cư xử không đúng mực. Dưới đây là những nguyên nhân phổ biến nhất:
- Thu hút sự chú ý của bố mẹ: Con có thể hành động không đúng mực để thu hút sự chú ý từ bố mẹ. Hầu hết bố mẹ có xu hướng phản ứng với hành vi xấu của con nhanh hơn hành vi tốt. Vì vậy, bố mẹ hãy yên tâm rằng điều này là bình thường và có thể sửa chữa được. Bố mẹ có thể giúp con ngừng các hành vi tiêu cực bằng cách dành thời gian chất lượng cho con của mẹ . Khi con có đủ thời gian tương tác với bố mẹ, con sẽ vui vẻ chấp nhận rằng mình không phải là trung tâm của mọi sự chú ý và có thể bình tĩnh chơi một mình.
- Cuộc sống xáo trộn: Những thay đổi lớn trong cuộc sống như chuyển đến nơi ở mới, bắt đầu đi học hoặc mẹ mới sinh em bé có thể khiến con cảm thấy khó xử. Nguyên nhân là bởi con không hiểu vì sao lại xảy ra những thay đổi đó. Trong trường hợp này, bố mẹ hãy quan tâm, kiên nhẫn hơn nữa với con của mẹ và giải thích cho con hiểu rằng bố mẹ vẫn luôn ở bên cạnh con, điều này không bao giờ thay đổi. Tin vui là khoảng thời gian này thường chỉ diễn ra ngắn ngày và sẽ biến mất theo thời gian.
- Các vấn đề trong gia đình: Con có thể nhận ra không khí căng thẳng trong gia đình thông qua nét mặt và sự tương tác giữa các thành viên. Con cũng có khả năng phát hiện cách bố mẹ chú ý đến con không giống như trước đây.
- Quá nhiều điều không thể dự đoán: Nếu các tình huống trong cuộc sống không diễn ra theo những gì con mong đợi, đôi khi con sẽ cảm thấy bối rối và cư xử không đúng mực. Để giúp con thích nghi, bố mẹ hãy cùng con xây dựng thói quen hàng ngày. Thói quen cho con biết điều gì sắp xảy ra, nhờ đó con có thể thư giãn và tập trung vào những hoạt động ở thời điểm hiện tại, chẳng hạn vui chơi, tương tác với bố mẹ hoặc khám phá những điều mới.
- Kết thúc hoạt động thú vị mà không báo trước: Bố mẹ có nhớ bản thân từng buồn như thế nào khi bộ phim hoạt hình yêu thích kết thúc không? Con cũng có cảm giác giống như vậy. Khi một hoạt động thú vị bị dừng lại mà không được báo trước, con có thể cảm thấy thất vọng và trở nên cố chấp. Để con không bị hụt hẫng, bố mẹ nên tinh tế đưa ra những dấu hiệu báo trước như “5 phút nữa hãy để bạn gấu teddy nghỉ ngơi và mẹ con mình cùng ăn tối nhé!”
Một số vấn đề về hành vi phổ biến ở trẻ
Dưới đây là những vấn đề vè hành vi thường gặp nhất ở mọi lứa tuổi:
- Thách thức
- Hành vi thiếu tôn trọng
- Rên rỉ
- Hành vi bốc đồng
- Nóng giận
- Hành vi hung hăng (đánh, đá)
- Vấn đề về giấc ngủ
- Vấn đề về ăn uống
- Xem quá nhiều thiết bị điện tử
- Nói dối
Mẹo xử lý các hành vi không đúng mực của con
Cách bố mẹ xử lý vấn đề hành vi của con có ảnh hưởng quan trọng đến cách con phản ứng với những tình huống tương tự trong tương lai. Dưới đây là một số mẹo giúp bố mẹ xử lý các hành vi không đúng mực và củng cố hành vi tốt của con:
- Tìm hiểu tình huống: Hãy cố gắng tìm hiểu nguyên nhân dẫn đến hành vi của con và giải quyết nguyên nhân đó.
- Đưa ra hướng dẫn rõ ràng: Con có xu hướng cư xử tốt hơn nếu bố mẹ chia sẻ với con những kỳ vọng của bố mẹ.
- Xây dựng môi trường thích hợp cho con: Hãy tạo ra môi trường thuận lợi để con học tập và vui chơi. Nếu con đòi xem video trên tivi và điện thoại, bố mẹ nên loại bỏ các thiết bị điện tử ra khỏi tầm mắt của con.
- Hạn chế sử dụng thiết bị điện tử: Các chuyên gia đã chứng minh rằng dành quá nhiều thời gian cho thiết bị điện tử có thể kích thích cơ thể giải phóng dopamine. Khi ngừng sử dụng, quá trình sản xuất dopamine cũng dừng lại và có thể dẫn đến các vấn đề về hành vi. Vì vậy, bố mẹ hãy hạn chế và quản lý nghiêm ngặt thời gian con xem tivi, điện thoại hoặc khuyến khích con tham gia các hoạt động bổ ích khác.
- Dành thời gian đầu buổi cho con: Khi cần tập trung làm việc, bố mẹ nên dành 15 phút chơi đùa và trò chuyện cùng con của mẹ , sau đó mới bắt đầu công việc. Cách này hiệu quả hơn là chỉ dành cho con 2 – 3 phút ngắn ngủi vì con sẽ làm gián đoạn thời gian làm việc của bố mẹ. Các chuyên gia báo cáo rằng 15 phút chất lượng mà bố mẹ dành cho con của mẹ sẽ giảm đáng kể các vấn đề hành vi của con.
- Cho con thời gian chuẩn bị trước khi chuyển đổi hoạt động: Bố mẹ nên nói trước với con những điều bố mẹ muốn con làm để con có thời gian hoàn thành hoạt động hiện tại và chuyển sang hoạt động mới.
- Cho con lựa chọn: Khi con lớn hơn, hãy thúc đẩy khả năng tự điều chỉnh của con bằng cách đưa cho con các lựa chọn. Ví dụ, “Con muốn ăn cơm trước hay tắm trước?” hoặc “Con muốn mặc áo phông hay áo len?”.
- Dẫn dắt con bằng hành động thực tế: Con học hỏi từ hành động của bố mẹ chứ không phải từ lời nói. Vì vậy, bố mẹ hãy là tấm gương sáng cho con noi theo. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng rằng 80% ngôn ngữ mà con hiểu được là ngôn ngữ cơ thể, 20% còn lại là từ lời nói.
- Hãy nhất quán: Với từng tình huống, hãy làm những điều mà bố mẹ cảm thấy phù hợp và nhất quán với hành động đó. Nếu bố mẹ phản ứng khác trong những tình huống giống nhau, con sẽ cảm thấy bối rối và không biết cư xử như thế nào.
- Đừng phản ứng quá dữ dội: Mặc dù không dễ dàng nhưng hãy cố gắng đừng phản ứng thái quá hoặc la mắng con. Hành vi đánh người khác của con thường không phải vì bé muốn tỏ ra xấu tính mà do con không biết cách diễn đạt cảm xúc của bản thân tại thời điểm đó.
- Nói chuyện với con: Bố mẹ nên giải thích cho con hiểu vì sao bố mẹ muốn hoặc không muốn con thực hiện hành vi đó. Nếu con lớn hơn, hãy khuyến khích con giải thích lý do con hành động như vậy.
- Khen thưởng hành vi tốt của con: Khi con của mẹ cư xử tốt, bố mẹ hãy thưởng cho con của mẹ một nụ cười, một cái ôm, một nụ hôn hoặc đôi khi là một cây kem. Lời khen ngợi cũng góp phần khuyến khích những hành vi tốt của con. Tuy nhiên, không nên khen ngợi và tặng quà cho con trước khi con thực hiện yêu cầu của bố mẹ vì đây được xem là hối lộ. Mà hối lộ lại khuyến khích con phát triển các hành vi không trung thực.
- Đừng đánh con: Khi chứng kiến những hành vi không đúng mực của con, phản ứng đầu tiên của nhiều bố mẹ là đánh con. Tuy nhiên, hành động này không có hiệu quả lâu dài. Hàng loạt các nghiên cứu đã kết luận rằng khi bị bố mẹ đánh, con có xu hướng lặp lại các hành vi không tốt.