Ảnh hưởng của trầm cảm sau sinh đến trẻ nhỏ
Sức khỏe tâm thần

Trầm cảm sau sinh (PPD) là sự kết hợp phức tạp giữa những thay đổi về thể chất, cảm xúc và hành vi ở phụ nữ sau sinh.
Trầm cảm sau sinh xảy ra ở khoảng 15% phụ nữ sau sinh. Tình trạng này không chỉ ảnh hưởng đến mẹ mà còn gây hại cho em bé.
Trầm cảm sau sinh ảnh hưởng đến bé như thế nào?
Trầm cảm sau sinh ảnh hưởng đến khả năng chăm sóc bản thân và chăm sóc con của mẹ.
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do ngay sau khi em bé chào đời, cơ thể mẹ phải trải qua sự thay đổi hormone mạnh mẽ, từ đó ảnh hưởng nghiêm trọng đến tâm trạng của mẹ. Tâm trạng thay đổi thường đi kèm với suy nghĩ tiêu cực về em bé, khiến mẹ cảm thấy tội lỗi và rơi vào trạng thái trầm cảm. Ngoài ra, các mẹ mới sinh thường gặp vấn đề về giấc ngủ, khiến tình trạng trầm cảm sau sinh trở nên tồi tệ hơn.
Hậu quả của vòng xoáy bệnh lý này là mẹ bị trầm cảm và môi trường nuôi dưỡng em bé không được đảm bảo.
Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng trầm cảm sau sinh có thể ảnh hưởng đến sự phát triển của bé trong giai đoạn đầu đời cũng như gây ra các tác động lâu dài đến thời niên thiếu của con trong tương lai. Đây là lý do vì sao cần phát hiện và điều trị trầm cảm sau sinh càng sớm càng tốt để tránh các hậu quả nghiêm trọng.
Ảnh hưởng của trầm cảm sau sinh đến sự phát triển đầu đời của bé
Cảm xúc của mẹ đã được chứng minh là có thể ảnh hưởng tới bốn khía cạnh phát triển của bé.
Phát triển vận động: Các nghiên cứu cho biết con của những người mẹ bị trầm cảm sau sinh mức độ trung bình đến nặng có xu hướng chậm phát triển thể chất ở giai đoạn 1 tuổi.
Phát triển nhận thức: Con của những người mẹ bị trầm cảm nặng sẽ phát triển trí tuệ kém hơn đáng kể và có nguy cơ thất bại trong bài kiểm tra về sự tồn tại của vật thể của Piaget, một thước đo quan trọng về khả năng nhận thức của bé.
Phát triển xã hội – cảm xúc: Các nghiên cứu cho thấy sự phát triển xã hội và cảm xúc của bé có thể bị ảnh hưởng bởi tình trạng trầm cảm của mẹ. Một nghiên cứu về chất lượng giao tiếp giữa trẻ nhỏ và mẹ báo cáo rằng con của những người mẹ bị trầm cảm sau sinh ít chia sẻ tình cảm hơn, có tỷ lệ tương tác và khả năng tập trung thấp hơn, nhiều phản ứng tiêu cực hơn và khả năng giao tiếp với người lạ kém hơn. Tương tự như vậy, các đánh giá về chất lượng gắn bó ở trẻ nhỏ đã khẳng định mối liên hệ giữa sự gắn bó không an toàn ở các bé 12 tháng tuổi và mức độ trầm cảm nặng của mẹ.
Phát triển hành vi: Trầm cảm sau sinh cũng ảnh hưởng đến hành vi của bé. Con của những người mẹ từng bị trầm cảm sau sinh có nguy cơ cao có vấn đề về hành vi khi được 18 tháng tuổi, ví dụ vấn đề về giấc ngủ, ăn uống, ăn vạ và gặp khó khăn khi xa cách mẹ.
Tác động lâu dài của trầm cảm sau sinh
Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng trầm cảm sau sinh kéo dài sẽ dẫn đến những hậu quả tiêu cực ở trẻ mầm non và trẻ đi học, bao gồm chậm phát triển nhận thức và ngôn ngữ, thiếu gắn bó an toàn hoặc không ổn định, nguy cơ có vấn đề về hành vi cao hơn và kết quả học tập kém hơn.
Trầm cảm không phải lỗi của mẹ và tình trạng này có thể chữa khỏi!
Người mẹ bị trầm cảm sau sinh là nạn nhân của phản ứng sinh học do nồng độ hormone thay đổi sau sinh và cần được giúp đỡ để đối phó với tình trạng này.
Nếu mẹ nghi ngờ mình bị trầm cảm sau sinh hoặc có bất kỳ rối loạn cảm xúc nào làm gián đoạn cuộc sống hàng ngày và ảnh hưởng tới cách mẹ chăm sóc em bé, hãy nói chuyện với ai đó. Mẹ nên thông báo cho chồng, cố gắng tìm sự hỗ trợ từ những người mẹ có cùng hoàn cảnh và liên hệ với bác sĩ trước khi bệnh tình ảnh hưởng đến sức khỏe của mẹ và bé. Với sự giúp đỡ, mẹ có thể khỏi bệnh và ngăn chặn các triệu chứng trở nên trầm trọng hơn.
Lời cảm ơn
Bài viết về ảnh hưởng của trầm cảm sau sinh đến trẻ nhỏ được thực hiện với sự hợp tác và hỗ trợ của Quỹ Pranaiya & Arthur Magoffin, nhằm cải thiện chất lượng cuộc sống cho bố mẹ và em bé.
Đã chứng nhận:
Trang Do Hanh (1 December 2024)
Nguồn:
- Postpartum Depression and Its Long-Term Effects on Children, Pharmacy Times
- Effects of postnatal depression on infant development, Archives of Disease in Childhood
- Consequences of maternal postpartum depression: A systematic review of maternal and infant outcomes, National Library of Medicine
- The impact of postpartum depression and bonding impairment on child development at 12 to 15 months after delivery, Science Direct
- The Long-Term Impact of Maternal Anxiety and Depression Postpartum and in Early Childhood on Child and Paternal Mental Health at 11–12 Years Follow-Up, Frontiers