Bảo vệ da khỏi ánh nắng mặt trời
Sức khỏe của bé

Trẻ nhỏ có làn da mỏng và melanin chưa phát triển đầy đủ, vì vậy da của con dễ bị cháy nắng. Tiếp xúc quá nhiều với tia cực tím (UV) từ mặt trời có thể gây tổn thương da, mắt, gây suy giảm hệ thống miễn dịch và ung thư da. Cháy nắng cũng có thể gây đau và khó chịu trong thời gian ngắn.
Làm thế nào để bảo vệ bé khỏi ánh nắng mặt trời?
Ở nơi râm mát: Khuyến khích bé chơi trong bóng râm, đặc biệt từ 10 – 14h khi ánh nắng mặt trời mạnh nhất. Các bé chơi đùa dưới nước và dưới 6 tháng tuổi là những đối tượng đặc biệt dễ bị tổn thương da.
Sử dụng kem chống nắng: Thoa kem chống nắng lên các vùng da không được quần áo che phủ như mặt, tai, bàn chân và mu bàn tay, ngay cả trong những ngày nhiều mây hoặc âm u. Sử dụng kem chống nắng có SPF 15 trở lên và có tác dụng chống lại tia UVA, UVB. Nếu bé bơi lội, hãy sử dụng kem chống nắng chống thấm nước có SPF 15 trở lên. Không sử dụng kem chống nắng cho bé dưới 6 tháng tuổi.
Che chắn: Cho bé mặc quần áo được làm từ chất liệu cotton thoáng mát, chẳng hạn áo phông dài tay rộng rãi. Đặc biệt chú ý bảo vệ da khi bé chơi dưới nước vì con thường không cảm nhận được nhiệt độ nóng.
Đeo kính râm: Bảo vệ mắt bé bằng kính râm có khả năng chống tia UV 100%.
Triệu chứng của cháy nắng:
- Đau và nóng rát. Triệu chứng này thường tồi tệ hơn sau vài giờ tiếp xúc với ánh nắng
- Da có thể bị khô, ngứa và căng
- Da bị cháy nắng bắt đầu bong ra sau khoảng một tuần
- Một số bé có thể cảm thấy ớn lạnh
Điều trị cháy nắng
- Cho bé tắm nước mát hoặc nhẹ nhàng đắp khăn mát, ướt lên da để giảm đau rát
- Dặn bé không gãi và lột da vùng cháy nắng vì da bên dưới vết cháy nắng có nguy cơ bị nhiễm trùng
- Thoa gel nha đam nguyên chất hoặc kem dưỡng ẩm để cung cấp độ ẩm cho da và giảm ngứa
- Nếu bác sĩ đồng ý, cho bé sử dụng thuốc chống viêm (ví dụ Ibuprofen) để giảm đau và ngứa. Diphenhydramine cũng có thể giúp ích.
- Không cho bé tiếp xúc với ánh nắng mặt trời đến khi da lành hẳn
Những điều không nên làm:
- Không sử dụng các sản phẩm dưỡng da có gốc dầu mỏ vì ngăn cản nhiệt dư thừa và mồ hôi thoát ra ngoài
- Không cho bé uống Aspirin
- Tránh các sản phẩm sơ cứu có chứa benzocaine vì có thể gây kích ứng da
- Không sử dụng kem chống nắng cho các bé dưới 6 tháng tuổi