Cá
Thực phẩm cho bé

Cá là nguồn cung cấp protein tuyệt vời. Cá cũng chứa vitamin, khoáng chất và các chất béo lành mạnh như axit docosahexaenoic (DHA), rất cần thiết cho sự phát triển của não bộ, hệ thần kinh và thị giác.
Vì sao mẹ nên cho bé ăn cá?
Ngoài cung cấp protein bổ dưỡng, cá còn chứa nhiều vi chất dinh dưỡng quan trọng. Một số loại cá, chẳng hạn cá mòi, cá tuyết, tôm, nghêu… chứa nhiều axit béo omega-3, rất cần thiết cho sức khỏe tim mạch và sự phát triển của não bộ. Cá đóng hộp có xương rất giàu canxi. Ngoài ra, một số loại cá (như cá hồi) còn giàu vitamin D – một loại vitamin thường khó có được qua thực phẩm.
Khi nào nên cho bé ăn cá?
Mẹ có thể bắt đầu cho con ăn cá ở giai đoạn 6 tháng tuổi, khi bé đã sẵn sàng ăn dặm.
Nên cho bé ăn bao nhiêu cá?
Không có khuyến nghị cụ thể về lượng cá mà bé nên ăn. Tuy nhiên, nhiều bác sĩ nhi khoa khuyên mẹ nên cho bé ăn hai phần cá mỗi tuần, trong đó có một phần là cá béo. Các loại cá béo có hàm lượng thủy ngân thấp bao gồm cá mòi, cá trích, cá hồi, cá hồi nước ngọt và cá thu.
Hãy lưu ý đến thủy ngân!
Thủy ngân có thể gây hại cho não bộ và gây ra các vấn đề phát triển ở trẻ em. Khi cá lớn ăn cá nhỏ bị nhiễm thủy ngân, kim loại này sẽ tích tụ trong thịt cá. Điều này có nghĩa là những loại cá có kích thước lớn (ví dụ cá ngừ) thường chứa nhiều thủy ngân hơn các loại cá có kích thước nhỏ như cá hồi, cá da trơn, cá mòi.
Các loại cá tốt nhất cho trẻ em
Để nhận được lợi ích dinh dưỡng từ cá mà không lo ngại về hàm lượng thủy ngân cao, mẹ có thể chọn các loại cá sau:
- Cá da trơn
- Cá hồi
- Cá tuyết
- Cá bơn
- Cá rô phi
- Mực
- Sò điệp
- Cá mòi
- Cá hồi nước ngọt
Cách chế biến cá cho bé
Mẹ hãy lột da và gỡ xương cá, sau đó nấu cá đến khi chín mềm. Cắt cá thành các miếng nhỏ hoặc xay mịn. Nếu mẹ muốn nấu cháo cá, mẹ có thể trộn cá với các thực phẩm mà bé từng ăn hoặc nấu cá riêng.
Dị ứng cá
Bé có thể bị dị ứng với một số loại cá chứ không phải tất cả. Mặc dù hầu hết các phản ứng dị ứng xảy ra khi ăn, một số bé có thể bị dị ứng khi tiếp xúc với cá hoặc hít phải hơi nước lúc nấu cá. Các triệu chứng dị ứng cá thường gặp bao gồm:
- Buồn nôn
- Nôn
- Tiêu chảy
- Đau đầu
- Phát ban trên da
- Mề đay
- Sốc phản vệ (hiếm gặp)
Hãy tham khảo ý kiến của bác sĩ nếu con của mẹ có bất kỳ triệu chứng dị ứng nào với cá hoặc nếu mẹ bối rối không biết nên cho bé ăn cá khi nào hoặc như thế nào.
Đã chứng nhận:
Trang Do Hanh (1 December 2024)