Đái tháo đường thai kỳ
Dấu hiệu mang thai
Đái tháo đường thai kỳ là tình trạng mẹ chưa được chẩn đoán đái tháo đường trước đây và phát hiện bệnh khi mang thai.
Nguyên nhân của đái tháo đường thai kỳ
Đái tháo đường thai kỳ xảy ra khi cơ thể mẹ không sản xuất đủ insulin, một hormone có nhiệm vụ kiểm soát nồng độ đường trong máu. Tình trạng này thường xuất hiện trong tam cá nguyệt thứ hai và hầu hết sẽ biến mất sau sinh. Tuy nhiên, đái tháo đường thai kỳ có thể làm tăng nguy cơ mẹ bị đái tháo đường thật sự trong tương lai.
Đái tháo đường thai kỳ ảnh hưởng tới em bé như thế nào?
Đái tháo đường thai kỳ không được điều trị có thể gây nguy hiểm cho cả hai mẹ con. Con của các bà mẹ bị đái tháo đường thai kỳ có nguy cơ mắc một số biến chứng như vàng da, sinh non, cân nặng lúc sinh lớn hơn bình thường, suy hô hấp do phổi chưa phát triển hoàn thiện để con tự hít vào, thở ra, đồng thời tăng nguy cơ em bé bị đái tháo đường trong tương lai.
Đái tháo đường thai kỳ ảnh hưởng đến mẹ như thế nào?
Nếu mắc đái tháo đường thai kỳ, nguy cơ tiền sản giật và sinh mổ của mẹ sẽ tăng lên. Mẹ cũng có nguy cơ mắc đái tháo đường thật sự trong tương lai cao hơn cho dù có mang thai lần sau hay không.
Sàng lọc đái tháo đường thai kỳ
Đái tháo đường thai kỳ thường không biểu hiện triệu chứng bất thường. Hầu hết được phát hiện khi mẹ xét nghiệm đường máu vào tuần thai thứ 24 – 28. Xét nghiệm này được gọi là nghiệm pháp dung nạp glucose đường uống với thời gian thực hiện khoảng 2 giờ. Trước tiên, mẹ được lấy máu vào buổi sáng sau khi nhịn ăn, nhịn uống từ đêm hôm trước (mẹ có thể uống nước lọc nhưng nên hỏi lại bác sĩ nếu mẹ không chắc chắn). Sau đó, mẹ sẽ uống nước đường và lấy máu lần hai sau 2 giờ để kiểm tra xem cơ thể đã xử lý lượng đường nạp vào như thế nào.
Ai có nguy cơ mắc đái tháo đường thai kỳ?
Bất kỳ phụ nữ nào cũng có thể bị đái tháo đường thai kỳ nhưng nguy cơ này sẽ tăng cao hơn ở những mẹ bầu có các yếu tố dưới đây:
- Thừa cân, béo phì với chỉ số khối cơ thể (BMI) từ 30 trở lên
- Từng bị đái tháo đường thai kỳ trong lần mang thai trước
- Từng sinh con với cân nặng lớn hơn bình thường
- Đã được chẩn đoán là tiền đái tháo đường hoặc trong gia đình có người thân bị đái tháo đường.
Những việc mẹ có thể làm
Cách tốt nhất để điều trị đái tháo đường thai kỳ là ngăn ngừa tình trạng này xảy ra:
- Ăn uống lành mạnh.
- Tập thể dục thường xuyên.
- Hạn chế các thực phẩm chứa đường, các loại thức ăn chế biến sẵn và nước ép trái cây.
- Ăn trái cây, rau củ quả tươi
- Theo dõi chặt chẽ nồng độ đường trong máu để đảm bảo mọi thứ nằm trong tầm kiểm soát.
Nếu thay đổi chế độ ăn uống và tập luyện không thể kiểm soát được nồng độ đường máu, mẹ có thể cần dùng thuốc: thuốc uống hoặc tiêm insulin, tùy theo chỉ định của bác sĩ.