Đau bụng
Sức khỏe của bé
Đau bụng ở trẻ em khá phổ biến. Tuy nhiên, với trẻ nhỏ, khó có thể xác định vị trí đau nên không dễ để tìm ra nguyên nhân gây đau.
Thông thường, cơn đau bụng có thể xử trí tại nhà và mẹ không cần quá lo lắng. Nhưng quan trọng hơn, mẹ phải chăm sóc và quan sát kỹ triệu chứng của con, đồng thời hiểu rõ triệu chứng nào có thể chăm sóc tại nhà và khi nào cần đưa bé đến bệnh viện.
Bụng là bộ phận nào?
Bụng là vùng nằm giữa phần dưới của xương sườn và phần trên của hông. Khoang bụng chứa hầu hết các cơ quan quan trọng của cơ thể. Nếu các cơ quan này có vấn đề, bé có thể bị đau bụng. Nhưng đau bụng cũng có thể do căng thẳng, lo lắng hoặc các vấn đề về tâm lý.
Nguyên nhân gây đau bụng bao gồm:
- Các vấn đề về đường ruột như táo bón hoặc khóc dạ đề ở trẻ nhỏ
- Tình trạng nhiễm trùng như viêm dạ dày ruột, nhiễm trùng thận hoặc bàng quang hoặc nhiễm trùng ở các bộ phận khác của cơ thể như tai, phổi
- Các vấn đề liên quan đến ăn uống như ăn quá nhiều, ngộ độc thực phẩm, dị ứng thực phẩm hoặc chuyển sang thực phẩm mới khó tiêu hóa
- Căng cơ
- Các vấn đề về phẫu thuật như viêm ruột thừa, tắc ruột hoặc lồng ruột
- Cơ thể bị nhiễm độc do côn trùng đốt hoặc ngộ độc thực phẩm
- Căng thẳng tinh thần, ví dụ bé bị căng thẳng hoặc khó chịu ở trường học hoặc nhà trẻ
Điều trị đau bụng cho trẻ nhỏ
Cách điều trị đau bụng phụ thuộc vào nguyên nhân gây đau. Mẹ nên đưa bé đến bác sĩ để được tư vấn và chẩn đoán chính xác. Hãy cung cấp thông tin cho bác sĩ về thời điểm con thường bị đau bụng vì cơn đau có thể liên quan đến một số loại thức ăn nhất định.
Tại sao nên tránh sử dụng kháng sinh? (trừ trường hợp cần thiết)
Những năm đầu đời của con đặc biệt quan trọng để phát triển cơ thể khỏe mạnh.
Mẹ nên thận trọng về việc sử dụng kháng sinh cho con trong giai đoạn này và nên ưu tiên các phương pháp điều trị khác nếu có thể. Kháng sinh thường gây hại cho hệ vi sinh đường ruột, vì vậy phục hồi hệ vi sinh sau khi dùng kháng sinh rất quan trọng. Đó là lý do vì sao nhiều bé bị đau bụng sau khi dùng kháng sinh và tình trạng này có thể kéo dài đến 4 tuần sau khi ngừng thuốc.
Gợi ý chung để giảm đau bụng cho bé
- Đảm bảo con được nghỉ ngơi đầy đủ
- Không ép bé ăn nếu con cảm thấy không khỏe
- Nếu bé đói, hãy cho con ăn các loại thực phẩm dễ tiêu hóa như bánh quy, cơm, hoặc chuối
- Chườm ấm giúp thư giãn cơ và giảm co thắt: Mẹ hãy đặt một chai nước ấm lên bụng con hoặc cho con tắm nước ấm.
Dấu hiệu nguy hiểm cần chú ý
Hãy đưa bé đến bệnh viện hoặc phòng cấp cứu gần nhất ngay lập tức nếu con có một trong các dấu hiệu dưới đây:
- Đau bụng dữ dội hoặc cơn đau ngày càng nặng hơn
- Sốt hoặc ớn lạnh
- Da tái, đổ mồ hôi và con mệt lả
- Nôn liên tục hơn 24 giờ
- Không chịu ăn hoặc uống trong hơn 24 giờ
- Nôn ra máu
- Ỉa máu
- Bí tiểu
- Phát ban trên da kèm theo đau bụng
- Viêm ruột thừa hiếm gặp (với các triệu chứng như đau dữ dội ở vùng bụng dưới bên phải, sốt, nôn)
Mẹ đừng quên!
Dù cơn đau chỉ là tạm thời hay là dấu hiệu của vấn đề sức khỏe nghiêm trọng, hãy luôn dành cho con tình yêu và sự quan tâm đặc biệt, để đảm bảo không bỏ sót bất kỳ triệu chứng nghiêm trọng nào của con và biết khi nào cần đưa con đến bệnh viện.
Đã chứng nhận:
Trang Do Hanh (1 December 2024)