Dị ứng
Sức khỏe của bé

Phát ban, sổ mũi hoặc hắt hơi thường xuyên có thể là dấu hiệu của dị ứng. Phản ứng dị ứng có thể do sữa bò, mạt bụi, vật nuôi hoặc nhiều yếu tố khác gây ra.
Chẩn đoán dị ứng
Cách tốt nhất để biết con có bị dị ứng hay không là quan sát xem có sự liên hệ giữa một phản ứng nào đó sau khi thực hiện một số hành vi nhất định hoặc gặp một số sự kiện nhất định hay không. Ví dụ: phát ban trên da luôn xuất hiện sau khi con uống sữa bò. Nếu mẹ nghi ngờ con bị dị ứng, hãy đưa bé đi khám chuyên khoa dị ứng.
Dấu hiệu của phản ứng dị ứng:
- Sổ mũi hoặc nghẹt mũi
- Chảy nước mắt
- Đau bụng
- Ho
- Tiêu chảy
- Ngất xỉu
- Mề đay hoặc phát ban
- Buồn nôn hoặc nôn
- Phát ban đỏ quanh miệng
- Sưng mặt, chân hoặc tay
- Cảm giác thắt chặt ở cổ họng
- Khó thở, bao gồm thở khò khè
Điều trị dị ứng ở trẻ nhỏ
Điều trị dị ứng thế nào phụ thuộc vào loại dị ứng. Bác sĩ có thể đề nghị:
- Thay đổi chế độ ăn uống của bé
- Sử dụng thuốc kháng histamin dạng viên hoặc siro để giảm ngứa hoặc sổ mũi
- Dùng thuốc dạng hít khi bé khó thở
- Sử dụng bút tiêm EpiPen để điều trị khẩn cấp khi xảy ra phản ứng dị ứng đe dọa tính mạng (ví dụ: dị ứng với đậu phộng)
Các loại thực phẩm thường gây dị ứng
- Đậu phộng
- Sữa bò
- Trứng
- Cá
- Các loại hạt (như hạnh nhân, hạt điều, óc chó)
- Hải sản có vỏ (như cua, tôm hùm và tôm)
- Đậu nành
- Lúa mì
Khi nào dị ứng thực phẩm trở nên nguy hiểm?
Dị ứng thực phẩm có thể gây ra các triệu chứng nghiêm trọng và đe dọa tính mạng đột ngột. Ví dụ, bé có thể bị khó thở nghiêm trọng và huyết áp giảm đột ngột, dẫn đến sốc. Các dấu hiệu khác của sốc bao gồm da tái xanh, ớn lạnh và chóng mặt. Phản ứng này được gọi là sốc phản vệ. Hãy gọi cấp cứu ngay lập tức nếu mẹ thấy bé có bất kỳ dấu hiệu nào kể trên.
Phải làm gì nếu con bị dị ứng thực phẩm?
Nếu bé được chẩn đoán bị dị ứng thực phẩm, mẹ nên giữ bé tránh xa những thực phẩm đó, dù chỉ một chút. Hãy kiểm tra tất cả nhãn dán thực phẩm để tìm kiếm các thành phần ẩn, ví dụ dầu đậu phộng, và cẩn thận khi đặt món ăn tại nhà hàng. Một số bé có thể hết dị ứng khi lớn lên nhưng một số bé lại bị dị ứng suốt đời.
Làm thế nào để ngăn ngừa dị ứng thực phẩm?
Cách tốt nhất để ngăn ngừa dị ứng thực phẩm là cho bé tiếp xúc với nhiều loại thực phẩm ngay từ sớm. Ví dụ, trẻ em ở Israel ít bị dị ứng đậu phộng vì món ăn vặt phổ biến cho trẻ em ở quốc gia này là bánh quy giòn đậu phộng.
Dị ứng với mạt bụi
Đồ chơi gấu bông, ga trải giường và ghế sofa cũ có thể là nơi trú ngụ của mạt bụi, từ đó gây ra dị ứng. Loài mạt này thường tụ tập ở những nơi mềm mại như thú bông và gối. Nấm mốc, khói thuốc lá và nước hoa cũng là những tác nhân gây dị ứng trong nhà phổ biến cho trẻ em. Cứ 6 bé thì có 1 bé bị dị ứng trong nhà. Các triệu chứng giống như dị ứng theo mùa, bao gồm sổ mũi, nghẹt mũi và hắt hơi.
Cách đối phó với dị ứng mạt bụi
- Quét và hút bụi thường xuyên
- Sử dụng vỏ bọc chống dị ứng cho nệm, ga giường và gối
- Giặt ga trải giường 2 tuần một lần bằng nước nóng và phơi khô dưới ánh nắng hoặc dùng máy sấy
- Đặt đồ chơi mềm vào túi kín và để trong tủ đông ít nhất 5 giờ mỗi tuần để tiêu diệt mạt bụi
- Không sử dụng máy tạo độ ẩm và máy phun sương vì chúng tăng độ ẩm trong không khí, làm tăng nguy cơ xuất hiện nấm mốc và mạt bụi