Dị ứng thực phẩm ở trẻ nhỏ
Sức khỏe của bé
Khi bắt đầu cho con của mẹ ăn dặm ở giai đoạn 4 – 6 tháng tuổi, mẹ nên cẩn thận và chú ý quan sát phản ứng của con khi cho con ăn những thực phẩm có nguy cơ gây dị ứng, đặc biệt nếu người thân trong gia đình có tiền sử dị ứng.
Cho bé làm quen với thực phẩm mới
Mẹ nên cho bé làm quen lần lượt với từng loại thực phẩm mới và với lượng nhỏ để có thể quan sát các phản ứng dị ứng và xác định loại thực phẩm gây ra phản ứng đó.
Những thực phẩm phổ biến có nguy cơ gây dị ứng
Bé có thể bị dị ứng với bất kỳ thực phẩm nào, nhưng dưới đây là những thực phẩm gây dị ứng phổ biến nhất:
- Đậu phộng
- Sữa bò
- Cá
- Hải sản có vỏ
- Các loại hạt
- Đậu nành
- Trứng
- Thực phẩm chứa gluten, ví dụ lúa mì, lúa mạch và lúa mạch đen
Phòng ngừa dị ứng thực phẩm
Nếu bé không có phản ứng bất thường với thực phẩm mới, mẹ hãy thêm thực phẩm này vào chế độ ăn của con của mẹ để giảm nguy cơ dị ứng thực phẩm có thể xảy ra trong tương lai. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng trì hoãn cho con ăn một số loại thực phẩm, chẳng hạn đậu phộng, trứng, sau khi bé được 6 – 12 tháng tuổi có thể gia tăng nguy cơ phát triển dị ứng với các thực phẩm đó.
Làm thế nào để biết con của mẹ có bị dị ứng thực phẩm không?
Biểu hiện dị ứng thực phẩm ở mỗi bé rất khác nhau và con có thể phản ứng không giống nhau ở từng thời điểm. Tuy nhiên, điều quan trọng là bố mẹ nhanh chóng xác định được tình trạng dị ứng thực phẩm bằng cách chú ý quan sát phản ứng của con. Dị ứng thực phẩm có thể ảnh hưởng đến nhiều cơ quan trong cơ thể và biểu hiện thành các triệu chứng bất thường dưới đây:
- Da: nổi mẩn đỏ ngứa, chàm, phát ban, ngứa, sưng môi, lưỡi và miệng (phản ứng dị ứng trên da thường phổ biến nhất)
- Đường tiêu hóa: nôn, tiêu chảy, đau bụng
- Hệ hô hấp: chảy nước mũi hoặc nghẹt mũi, thở khò khè, ho, khó thở
- Hệ tim mạch: chóng mặt hoặc ngất xỉu
Mẹ nên biết rằng những phản ứng này:
- Có thể rất nhẹ và chỉ ảnh hưởng đến một vài cơ quan trong cơ thể
- Xảy ra trong vài phút hoặc tối đa 2 giờ sau khi ăn
- Nhưng cũng có thể rất nghiêm trọng và ảnh hưởng đến toàn bộ cơ thể.
Hãy liên hệ với bác sĩ nếu mẹ nghĩ con của mẹ đang bị dị ứng với thực phẩm nào đó.
Phản ứng dị ứng nghiêm trọng
Trong một số trường hợp, phản ứng dị ứng có thể nghiêm trọng và đe dọa tính mạng. Tình trạng này gọi là phản vệ. Phản vệ có thể bắt đầu giống như một phản ứng dị ứng nhẹ nhưng sau đó nhanh chóng trở nên nghiêm trọng, khiến bé khó thở và máu trong cơ thể lưu thông kém. Nếu mẹ nghĩ con bị phản vệ, hãy đưa con đến bệnh viện hoặc gọi xe cấp cứu ngay lập tức. Trong trường hợp mẹ có sẵn bút tiêm epinephrine tại nhà, đừng chần chừ mà hãy cho con sử dụng ngay.
Chăm sóc bé bị dị ứng thực phẩm
Hầu hết các bé bị dị ứng với thực phẩm sẽ tự khỏi khi lớn lên. Chẳng hạn, 80% các bé bị dị ứng sữa bò sẽ hết dị ứng khi được 5 tuổi. Nếu con của mẹ bị dị ứng thực phẩm, mẹ cần đọc kỹ thông tin trên bao bì thực phẩm trước khi mua.
Cảnh giác với phụ gia thực phẩm
Các chất phụ gia, ví dụ sulfit, có tác dụng bảo quản, kéo dài thời gian sử dụng của thực phẩm và giúp thực phẩm có màu sắc, kết cấu hấp dẫn hơn. Tuy nhiên, một số bé bị dị ứng với các chất phụ gia này. Vì vậy, mẹ đừng quên kiểm tra thông tin trên bao bì thực phẩm để biết thực phẩm có loại phụ gia nào trước khi mua cho bé.
Đã chứng nhận:
Trang Do Hanh (1 December 2024)