Tải ứng dụng

Học thuyết gắn bó: Trải nghiệm tuổi thơ ảnh hưởng đến những năm tháng đầu đời VDO

Lý thuyết nuôi dạy trẻ

Học thuyết gắn bó: Trải nghiệm tuổi thơ ảnh hưởng đến những năm tháng đầu đời VDO
Học thuyết gắn bó: Trải nghiệm tuổi thơ ảnh hưởng đến những năm tháng đầu đời VDO

Tất cả chúng ta đều biết tuổi thơ ảnh hưởng đến tính cách của mỗi người khi lớn lên. Có 4 kiểu gắn kết trong những năm tháng đầu đời, từ đó phân loại người lớn chúng ta theo những kiểu hành vi khác nhau.

Học thuyết gắn bó cho rằng mối liên kết tình cảm và thể chất mạnh mẽ với một người chăm sóc chính trong những năm tháng đầu đời đóng vai trò quan trọng tới sự phát triển của chúng ta. Nếu sự liên kết của chúng ta mạnh mẽ và chúng ta được gắn kết an toàn, chúng ta sẽ cảm thấy an toàn để khám phá thế giới. Chúng ta biết luôn có một nơi trú ẩn an toàn để quay về bất cứ lúc nào. Ngược lại, nếu sự gắn bó này yếu kém, chúng ta sẽ cảm thấy không được gắn kết an toàn. Chúng ta sợ hãi không dám rời đi và khám phá thế giới vì chúng ta không chắc liệu mình có thể quay trở lại nơi trú ẩn an toàn hay không.

Những người gắn bó an toàn được cho là có lòng tin lớn hơn, có thể kết nối với người khác, từ đó thành công hơn trong cuộc sống. Những người gắn bó không an toàn có xu hướng không tin tưởng người khác, thiếu kỹ năng xã hội và gặp khó khăn trong việc xây dựng mối quan hệ. Có 1 loại gắn bó an toàn và 3 loại gắn bó không an toàn: Lo âu/ Dao động, Lo lắng/ Né tránh, Lo âu/ Rối loạn. Khi đối diện với đau khổ, 3 loại đầu tiên phản ứng có tổ chức, trong khi loại cuối cùng lại hành động hỗn loạn.

Để hiểu rõ hơn về học thuyết gắn bó, hãy cùng nhìn vào gia đình ông bà Smith với 4 người con: Luka, Ann, Joe và Amy. Vợ chồng Smith là những bậc cha mẹ tuyệt vời, họ âu yếm, giao tiếp bằng mắt thường xuyên với con, nói chuyện ấm áp và luôn ở bên con cái.

Nhưng một ngày, ông Smith đột ngột qua đời. Đối với bà Smith, cuộc sống giờ đây trở nên vô cùng khó khăn. Bà dành cả ngày để làm việc và cố gắng chăm sóc con cái. Thật là một nhiệm vụ bất khả thi!

Gắn bó an toàn
Ở tuổi lên 6, bộ não của Luka phần lớn đã phát triển, tính cách mạnh mẽ và thế giới quan đã hình thành. Tình huống mới không ảnh hưởng nhiều đến cậu bé, cậu biết rằng vẫn luôn có mẹ – bến bờ an toàn của mình ở đó. Cậu ấy cảm thấy được gắn bó an toàn. Sau này, cậu ấy trở thành chàng trai trẻ tự tin, lạc quan và luôn nhận định bản thân theo hướng tích cực.

Gắn bó không an toàn – Lo âu dao động
Ann, 3 tuổi, cảm thấy thiếu thốn sự chú ý từ mẹ. Đối với Ann, mẹ cô bé giờ đây hành động không thể đoán trước được. Cô ấy lo lắng về mối quan hệ của mình với mẹ, kết quả là cô bé trở thành một đứa trẻ hay đeo bám. Cô bé thường hét lên để thu hút sự chú ý nhưng khi mẹ đáp lại, cô bé lại không thể hiện cảm xúc thật của mình. Cô ấy không nhìn nhận bản thân theo hướng tích cực. Ann thuộc nhóm gắn bó lo âu dao động.

Gắn bó không an toàn – Lo âu né tránh
Joe, 2 tuổi, dành phần lớn thời gian của mình với người chú, người yêu thương cậu bé nhưng nghĩ rằng giáo dục tốt có nghĩa là phải nghiêm khắc. Nếu Joe bé nhỏ thể hiện quá nhiều cảm xúc hoặc quá ồn ào, người chú sẽ tức giận và đôi khi trừng phạt cậu ấy. Điều này khiến Joe sợ hãi. Cậu bé học được rằng để không sợ hãi, cậu phải tránh thể hiện cảm xúc của mình, ngay cả trong các tình huống khác. Khi trưởng thành, Joe tiếp tục sử dụng nguyên tắc này và gặp khó khăn trong các mối quan hệ. Cậu ấy chủ yếu nhìn nhận bản thân theo cách tiêu cực. Joe thuộc nhóm gắn bó lo âu né tránh.

Gắn bó không an toàn – Lo âu rối loạn
Amy, mới chỉ 1 tuổi, được gửi đến nhà trẻ. Nhân viên ở đó không được đào tạo tốt, thường xuyên làm việc quá sức và bị căng thẳng. Một số người thậm chí còn lạm dụng trẻ em. Do đó, Amy trở nên lo lắng về chính những người mà cô bé đang tìm kiếm sự an toàn, dẫn đến một cuộc xung đột làm rối loạn hoàn toàn ý tưởng của cô bé về tình yêu và sự an toàn. Khi phải trải qua nỗi sợ hãi không có cách giải quyết này, cô bé cố gắng tránh mọi tình huống xã hội. Khi trưởng thành, Amy nghĩ rằng mình không xứng đáng được yêu thương. Amy luôn nhìn bản thân dưới góc độ tiêu cực. Cô ấy thuộc nhóm gắn bó lo âu rối loạn.

Sự gắn kết của chúng ta được hình thành trong những năm tháng đầu đời. Đây là thời điểm chúng ta còn quá nhỏ để giao tiếp với nỗi lo âu của bản thân. Kết quả là chúng ta có thể trải qua căng thẳng cực độ. Sau đó, tuyến thượng thận, một cơ quan nằm ở cực trên của thận, sản xuất hormone căng thẳng bao gồm adrenaline và cortisol, dẫn đến tăng nhịp tim, tăng huyết áp và chúng ta trở nên cảnh giác hơn. Nếu xảy ra thường xuyên, điều này được gọi là căng thẳng độc hại. Độc hại vì nó cản trở sự phát triển não bộ và làm suy yếu hệ thống miễn dịch của bé. Ở thai nhi và trẻ nhỏ, căng thẳng độc hại thậm chí có thể gây biến đổi biểu hiện gen, từ đó ảnh hưởng đến sức khỏe của chúng ta trong nhiều thập kỷ sau này.

Thử nghiệm tình huống lạ
Bằng cách mô phỏng một tình huống lạ, chúng ta có thể đánh giá kiểu gắn bó của con ngay cả khi bé mới chỉ 1 tuổi. Cách thực hiện như sau: cho bé chơi với mẹ một vài phút bên trong một căn phòng. Sau đó, bé bị bỏ lại một mình. Khoảnh khắc quan trọng là phản ứng của bé khi mẹ quay lại. Các bé được gắn kết an toàn thường ôm mẹ trước tiên, rồi bình tĩnh lại và tiếp tục chơi. Các bé không được gắn kết an toàn có thể dao động và tránh né. Một số bé không thể ngừng khóc hoặc từ chối tiếp tục chơi.

Tác động dài hạn
Những ảnh hưởng lâu dài của sự gắn kết trong những năm tháng đầu đời đã được ghi nhận rõ ràng. Bằng cách sử dụng học thuyết này, các nhà nghiên cứu tại Đại học Minnesota có thể dự đoán một bé có bỏ học trung học phổ thông trong tương lai hay không, ngay từ giai đoạn bé mới 3 tuổi, với độ chính xác lên tới 77%. Trong một nghiên cứu khác, sinh viên Đại học Harvard được yêu cầu đánh giá mức độ gần gũi của họ với bố mẹ. 35 năm sau, họ được hỏi về tình hình sức khỏe của bản thân. 91% trong số những người từng nói rằng họ có mối quan hệ không tốt với mẹ có các vấn đề sức khỏe như bệnh động mạch vành, tăng huyết áp, nghiện rượu. Với những người báo cáo rằng họ có mối quan hệ gia đình ấm áp, tỷ lệ sức khỏe kém chỉ chiếm 45%.

Bên cạnh đó, có một lý do khác khiến những năm tháng đầu đời của con được quan tâm đặc biệt. Đó là giai đoạn này là điểm xuất phát cho các hành vi tiếp theo của con. Một em bé cảm thấy được gắn bó an toàn lúc 2 tuổi có thể kết bạn ở trường mẫu giáo. Thế giới quan của con được củng cố trong mỗi lần tương tác và con sẽ phát triển tinh thần lạc quan. Kết quả là con tạo dựng được mối quan hệ tốt ở trường lớp và sau này là trường đại học, nơi làm việc. Các bé không có gắn bó an toàn có thể bỏ lỡ cơ hội này.

Nhà tâm lý học John Bowlby, một người tiên phong trong học thuyết gắn bó đã nói rằng: “Những điều không thể giao tiếp với mẹ cũng không thể giao tiếp với bản thân.” Nói cách khác, những người cảm thấy gắn bó không an toàn sẽ không thể hiểu rõ bản thân. Để biết mình là ai và mình cảm thấy như thế nào, đôi khi chúng ta cần quay về quá khứ để tìm câu trả lời.

Tải ứng dụngỨng dụng theo dõi thai kỳ hàng ngày & Nuôi dạy con

Ứng dụng theo dõi thai kỳ hàng ngày & Nuôi dạy con

Xếp hạng 4.9 sao từ hơn 10.000 bài đánh giá

Xếp hạng 4.9 sao từ hơn 10.000 bài đánh giá