Tải ứng dụng

Hồi sức tim phổi (CPR) cho bé dưới 1 tuổi

Sơ cứu

Hồi sức tim phổi (CPR) cho bé dưới 1 tuổi

Nếu bố mẹ thấy con ngừng thở hoặc ngừng tim, trước tiên hãy gọi cứu cấp theo số điện thoại 115. 

Đảm bảo bố mẹ an toàn: Đảm bảo khu vực hiện tại an toàn cho bố mẹ và bé, sau đó thực hiện CPR.

Kiểm tra phản ứng: Nên nghi ngờ bé bị ngừng tim nếu con không có phản ứng và không thở hoặc thở hổn hển. Kiểm tra bé có phản ứng hay không bằng cách vỗ nhẹ vào người con và gọi tên con. Nếu con không phản hồi, hãy bắt đầu CPR.

Trình tự C-A-B: Thứ tự 3 bước quan trọng khi xử lý tình huống khẩn cấp được gọi tắt là C-A-B: Tim – Đường thở – Thở.

Tim: Ép tim ngoài lồng ngực để tăng lưu lượng máu và tăng cơ hội tái thiết lập tuần hoàn tự nhiên. Để thực hiện ép tim, bố mẹ hãy đặt hai ngón tay hoặc cổ tay một bên hoặc cả hai bên cổ tay lên giữa ngực của bé và ấn xuống khoảng 4cm, tương đương với 1/3 đường kính lồng ngực.

Đường thở: Khai thông đường thở bằng cách ngửa cổ và nâng cằm của bé. Để thực hiện động tác này, bố mẹ hãy đặt một tay lên trán của bé và nhẹ nhàng ngửa đầu con ra sau, đồng thời dùng hai ngón tay của bàn tay còn lại nâng cằm con lên. Tư thế này giúp đẩy lưỡi ra xa phía sau cổ họng, từ đó không cản trở đường thở.

Thở: Thổi ngạt cho bé bằng kỹ thuật miệng miệng và miệng mũi. Để thực hiện kỹ thuật này, bố mẹ hãy áp miệng của mình vào miệng và mũi của con, sau đó thổi đều và mạnh. Đảm bảo thổi ngạt có hiệu quả, tức là lồng ngực của con được nâng lên. Mỗi lần thổi ngạt kéo dài khoảng 1 giây.

Thực hiện CPR chỉ với ép tim ngoài lồng ngực: Nếu bố mẹ hoặc người cứu hộ không thể thổi ngạt, chỉ cần thực hiện ép tim.

Hướng dẫn chi tiết thực hiện CPR cho bé dưới 1 tuổi:

    1. Đặt bé nằm ngửa trên mặt phẳng chắc chắn.
    2. Đặt hai ngón tay vào giữa ngực của bé và ấn xuống khoảng 4cm, tương đương với 1/3 đường kính lồng ngực. Độ sâu của động tác ép tim rất quan trọng. Hãy sử dụng cổ tay một bên hoặc cả hai cổ tay nếu bố mẹ không thể ấn ngực sâu 4cm bằng hai ngón tay.
    3. Thực hiện 30 lần ép tim với tốc độ 2 lần mỗi giây. Đếm to: “Một và hai và ba và bốn…,” ấn tay xuống khi bố mẹ đếm số và nhấc tay lên khi bố mẹ nói “và”.
    4. Thực hiện 2 lần thổi ngạt. Để thực hiện thổi ngạt, trước tiên bố mẹ cần khai thông đường thở bằng cách đặt một tay lên trán con và nhẹ nhàng ngửa đầu con ra sau, đồng thời nâng cằm con lên. Loại bỏ tất cả dị vật có thể nhìn thấy từ miệng và mũi con. Sau đó, áp miệng của bố mẹ vào miệng và mũi của bé, rồi thổi đều và mạnh, đồng thời kiểm tra xem ngực con có nâng lên không. Thổi ngạt hai lần, mỗi lần khoảng 1 giây.
    5. Tiếp tục chu kỳ 30 lần ép tim và 2 lần thổi ngạt đến khi bé bắt đầu hồi phục hoặc nhân viên y tế tới nơi.

Làm gì nếu lồng ngực bé không nâng lên?
Nếu lồng ngực của bé không nâng lên, hãy khai thông lại đường thở, ép tim và thử thổi ngạt lại. Nếu vẫn không hiệu quả, rất có thể đường thở đã bị tắc nghẽn. Trong trường hợp có dị vật đường thở, hãy mở miệng của bé và lấy dị vật ra. Tiếp tục kiểm tra miệng con sau mỗi lần ép tim, đến khi lồng ngực của con nâng lên khi bố mẹ thổi ngạt. 

Làm gì nếu bé bị chảy máu?
Đảm bảo rằng bé không bị chảy máu nghiêm trọng. Nếu con bị chảy máu, hãy cầm máu cho con bằng cách ấn chặt vào khu vực đang chảy máu.

CPR là gì?
CPR là từ viết tắt của hồi sức tim phổi, một quy trình cấp cứu mà bố mẹ có thể thực hiện để cứu sống các bé bị ngừng tim hoặc ngừng thở. Quy trình này kết hợp giữa ép tim ngoài lồng ngực và thổi ngạt nhằm đưa máu giàu oxy đến não và các cơ quan khác trong cơ thể đến khi bé tỉnh lại hoặc nhân viên y tế tới nơi.

Tải ứng dụngỨng dụng theo dõi thai kỳ hàng ngày & Nuôi dạy con

Ứng dụng theo dõi thai kỳ hàng ngày & Nuôi dạy con

Xếp hạng 4.9 sao từ hơn 10.000 bài đánh giá

Xếp hạng 4.9 sao từ hơn 10.000 bài đánh giá