Mang thai bằng phương pháp ICSI – Tiêm tinh trùng vào bào tương trứng
Mang thai

Tiêm tinh trùng vào bào tương trứng (ICSI) là phương pháp hỗ trợ sinh sản trong đó tinh trùng được tiêm trực tiếp vào một trứng trưởng thành để thụ tinh.
Ai nên thực hiện ICSI?
Trong phương pháp IVF, tinh trùng phải tự xâm nhập vào trứng để thụ tinh. Trong khi đó, với phương pháp ICSI, tinh trùng được tiêm trực tiếp vào trứng. Nhờ đó, tỷ lệ thụ tinh thành công tăng lên tới 80%. Đó là lý do tại sao nhiều cặp vợ chồng chuyển sang thực hiện ICSI khi IVF truyền thống thất bại. Ngoài ra, ICSI đặc biệt được khuyến nghị nếu bố có số lượng tinh trùng thấp hoặc tinh trùng yếu.
Quy trình thực hiện ICSI
Quy trình thực hiện ICSI tương tự như IVF, ngoại trừ bước thụ tinh, khi tinh trùng được hỗ trợ xâm nhập vào trứng để thụ tinh. Dưới đây là các bước thực hiện một chu kỳ ICSI:
- Chuẩn bị cơ thể: Mẹ sẽ dùng thuốc kích thích buồng trứng trong vài tháng để giúp buồng trứng sản xuất nhiều trứng hơn. Sau đó, mẹ sẽ trải qua một số lần siêu âm và xét nghiệm máu để theo dõi nồng độ hormone và số lượng trứng.
- Chọc hút trứng và thu thập tinh trùng: Khi trứng đã trưởng thành, bác sĩ sẽ sử dụng một ống nhỏ có gắn thiết bị hút ở đầu để thu trứng từ nang trứng. Tinh trùng của bố được thu thập sau khi xuất tinh. Nếu không thể xuất tinh tự nhiên, tinh trùng có thể được thu thập bằng phẫu thuật.
- Thụ tinh: Mẫu tinh trùng và trứng thu được sẽ được kiểm tra nhằm chọn ra tinh trùng khỏe mạnh nhất và trứng trưởng thành nhất để thụ tinh. Chỉ một tinh trùng được chọn và tiêm trực tiếp vào trứng trưởng thành trên đĩa petri.
- Chuyển phôi: Khoảng 3 – 5 ngày sau thụ tinh, trứng được thụ tinh đã phát triển thành phôi và sẽ được tuyển chọn để chuyển vào tử cung của mẹ. Một hoặc nhiều phôi có thể được chuyển vào tử cung của mẹ, tùy theo quyết định của mẹ và bác sĩ.
- Giai đoạn chờ đợi: Sau khi chuyển phôi, mẹ có thể quay lại cuộc sống hàng ngày. Trong 6 – 8 tuần tiếp theo, mẹ sẽ tiếp tục dùng thuốc để tăng cường hormone progesterone giúp phôi phát triển trong tử cung. ICSI thành công nếu phôi làm tổ trong niêm mạc tử cung và mẹ mang thai. Nếu lần ICSI đầu tiên không thành công, mẹ có thể thực hiện chu kỳ ICSI tiếp theo sau một tháng hoặc theo lời khuyên của bác sĩ.
Rủi ro
ICSI có những rủi ro tương tự IVF, nhưng vì đây là phương pháp cá nhân hóa hơn, có một số rủi ro mà mẹ cần biết:
- Tổn thương trứng: Sử dụng kim tiêm bơm tinh trùng vào trứng có thể gây tổn thương hoặc làm vỡ trứng. Tỷ lệ xảy ra rủi ro này là khoảng 5%.
- Vấn đề vô sinh di truyền: ICSI giúp tinh trùng kém chất lượng của bố (có thể có vấn đề liên quan đến vô sinh di truyền) thụ tinh với trứng trưởng thành nên tình trạng vô sinh ở nam giới đôi khi có thể di truyền sang con cái.
Lợi ích
Ngoài các lợi ích giống như IVF, ICSI còn có thêm các lợi ích khác như:
- Thụ tinh thành công: Tiêm trực tiếp tinh trùng vào trứng giúp tăng tỷ lệ thụ tinh thành công so với IVF thông thường. Trong trường hợp trứng đông lạnh từ chu kỳ IVF trước khiến tinh trùng khó xâm nhập một cách tự nhiên, hoặc tinh trùng đông lạnh không còn đủ khỏe để thụ tinh, ICSI là giải pháp hữu ích.
- Lấy tinh trùng từ tinh hoàn (TESE): Kết hợp với ICSI, TESE có thể giúp ích cho nam giới có bất thường trong hệ thống sinh sản. ICSI giúp tăng cơ hội thụ tinh thành công với tinh trùng thu được.
Ước tính tỷ lệ thành công theo độ tuổi của mẹ với mỗi chu kỳ ICSI:
- 29% với phụ nữ dưới 35 tuổi
- 23% với phụ nữ từ 35 – 37 tuổi
- 9% với phụ nữ từ 40 – 42 tuổi
- 3% với phụ nữ từ 43 – 44 tuổi
Vì ICSI là một phần của IVF, tỷ lệ thành công của hai phương pháp này liên quan chặt chẽ với nhau. Tuy nhiên, ICSI giúp tăng cơ hội tinh trùng thụ tinh với trứng. Vì vậy, với những chu kỳ IVF có tỷ lệ phôi thấp từ việc cấy phôi có thể có tỷ lệ thành công cao hơn với sự trợ giúp của ICSI. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng thực hiện 3 chu kỳ IVF giúp tăng cơ hội mang thai thành công lên 50%.
Đã chứng nhận:
Trang Do Hanh (1 December 2024)