Nôn trớ
Sức khỏe của bé

Có nhiều lý do khiến bé bị nôn trớ, ví dụ say xe, bị ốm hoặc căng thẳng tinh thần. Tuy nhiên, hầu hết các trường hợp nôn trớ là do viêm dạ dày ruột, một bệnh nhiễm trùng đường tiêu hóa.
Viêm dạ dày ruột là gì?
Viêm dạ dày ruột thường được gọi là “cúm dạ dày”. Đây là tình trạng dạ dày và ruột của bé bị kích ứng và viêm. Nguyên nhân thường là do nhiễm virus hoặc vi khuẩn.
Viêm dạ dày ruột thường không kéo dài và không nguy hiểm. Tuy nhiên, nếu bé không thể uống đủ nước hoặc bị tiêu chảy kèm theo, bé có thể bị mất nước, dẫn đến các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng.
Cách điều trị viêm dạ dày ruột
Trước tiên, mẹ nên trấn an con để bé cảm thấy an toàn vì nôn mửa có thể khiến trẻ em ở mọi lứa tuổi sợ hãi. Sau đó, đảm bảo bé uống đủ nước. Uống đủ nước ở đúng thời điểm (được gọi là liệu pháp bù nước bằng đường uống) là cách tốt nhất để ngăn ngừa tình trạng mất nước.
Uống nước rất quan trọng
Khi bé bị mất nhiều nước do nôn hoặc tiêu chảy, điều quan trọng là bổ sung lại lượng nước đã mất càng nhanh càng tốt. Bé nên uống nước lọc hoặc dung dịch bù nước và điện giải (Oresol) từng ngụm nhỏ một. Oresol, thường được pha với nước lọc, chứa khoáng chất và các chất dinh dưỡng khác bị mất đi khi nôn. Mẹ có thể mua Oresol ở hầu hết các hiệu thuốc hoặc trộn nước lọc với một ít nước ép trái cây nếu không có sẵn Oresol tại nhà.
Với các bé dưới 12 tháng tuổi, hãy tham khảo ý kiến của bác sĩ hoặc dược sĩ trước khi cho bé uống dung dịch bù nước và điện giải. Đặc biệt với các bé dưới 6 tháng tuổi, chỉ nên cho bé bú mẹ hoặc sữa công thức.
Dấu hiệu cảnh báo tình trạng nôn đang trở nên nghiêm trọng hơn:
- Bé nôn nhiều và nôn không ngừng
- Nôn kèm theo sốt
- Nôn ra chất lỏng màu xanh lá cây, vàng xanh hoặc nâu
- Nôn ra máu
- Bụng của bé cứng và chướng
- Bé nôn vào cùng một thời điểm trong ngày, chẳng hạn trước khi ăn sáng