Rạn da
Dấu hiệu mang thai
Rạn da là những vết mỏng màu hồng hoặc tím xuất hiện trên bề mặt da.
Rạn da xuất hiện ở đâu?
Rạn da có thể xuất hiện ở bụng, đùi trên, hoặc ngực khi bụng bầu của mẹ lớn dần lên trong quá trình mang thai. Thời điểm rạn da xuất hiện khác nhau ở từng mẹ bầu. Dấu hiệu báo hiệu là mẹ cảm thấy ngứa và vùng da đó trở nên mỏng hơn, chuyển màu hồng.
Cách đối phó với rạn da
Rạn da không gây hại và không gây ra bất kỳ vấn đề sức khỏe nào, nhưng không có phương pháp nào có thể xóa hoàn toàn rạn da. Sau khi sinh em bé, các vết rạn da sẽ mờ dần thành những vết sẹo màu trắng nhưng không biến mất hoàn toàn.
Nguyên nhân gây ra rạn da
Rạn da xuất hiện khi da bị kéo căng, ví dụ khi cơ thể chúng ta lớn lên trong tuổi dậy thì hoặc khi tăng, giảm cân. Ngoài ra, sự thay đổi nội tiết tố trong thai kỳ có thể ảnh hưởng đến làn da của mẹ và khiến mẹ dễ bị rạn da hơn.
Vết rạn sẽ xuất hiện khi lớp giữa của da (lớp hạ bì) bị căng và nứt vỡ ở một vài vị trí.
Ai có thể bị rạn da?
Rạn da không chỉ ảnh hưởng đến các mẹ bầu, mà còn phổ biến trong dân số nói chung. Nguy cơ bị rạn da phụ thuộc vào loại da của mẹ; da của một số người đàn hồi hơn và có thể chịu được lực kéo giãn.
Tăng cân trong thai kỳ và rạn da
Mức độ tăng cân trong thai kỳ rất khác nhau giữa các mẹ bầu, hầu hết các mẹ tăng từ 10 – 12,5kg. Nếu mẹ tăng cân nhiều hơn mức này, nguy cơ bị rạn da sẽ cao hơn.
Ngăn ngừa rạn da
Tới nay, chưa có nhiều bằng chứng khẳng định hiệu quả chống rạn da của các loại dầu và kem dưỡng. Có hai nghiên cứu về hai loại kem được quảng cáo là ngăn ngừa rạn da báo cáo rằng mát-xa có thể giảm bớt nguy cơ rạn da trong thai kỳ. Tuy nhiên, cần thêm nhiều nghiên cứu khác để xác định liệu kem dưỡng hay động tác mát-xa giúp ngăn ngừa rạn da.