Rung lắc bé
Những điều cần tránh khi chăm sóc trẻ

Trẻ nhỏ có bộ não mềm, cơ cổ yếu và hộp sọ nhạy cảm. Lắc mạnh bé có thể dẫn đến chấn thương não vĩnh viễn hoặc tử vong do Hội chứng rung lắc trẻ.
Hội chứng rung lắc trẻ là gì?
Hội chứng rung lắc trẻ là một chấn thương não do rung lắc bé quá mạnh hoặc do bạo lực. Không giống như trẻ lớn và người trưởng thành, não bộ và mạch máu của trẻ nhỏ rất mỏng manh. Não của bé có thể dễ dàng bị sưng, bầm tím và chảy máu khi bị tác động nhiều lần. Những chấn thương này sẽ cản trở lượng oxy đến não và có thể phá hủy tế bào não vĩnh viễn.
Dấu hiệu của Hội chứng rung lắc trẻ
- Co giật
- Khó thở
- Hụt hơi
- Ngủ nhiều, li bì
- Run cơ
- Hôn mê
- Nôn
- Da biến đổi màu sắc
- Liệt vận động tay chân
Những ảnh hưởng vĩnh viễn của Hội chứng rung lắc trẻ bao gồm:
- Chậm phát triển
- Mất thị lực hoàn toàn hoặc một phần
- Khuyết tật học tập
- Co giật
- Bại não
Các tổn thương khác do rung lắc mạnh:
Trẻ nhỏ đang phát triển nên hệ cơ và xương còn yếu. Khi bị lắc mạnh, bé dễ bị tổn thương:
- Cột sống
- Gãy xương
- Bầm tím cơ thể
Phòng tránh Hội chứng rung lắc trẻ
Hội chứng rung lắc trẻ có thể phòng tránh được nếu mẹ không lắc mạnh bé trong bất kỳ trường hợp nào.
Nếu mẹ lo lắng vì bé khóc không ngừng và mẹ cảm thấy quá choáng ngợp với vai trò làm mẹ, hãy đặt bé vào cũi hoặc nhờ người khác trông con trong vài phút. Tuyệt đối không rung lắc bé hoặc làm những hành động có thể gây tổn thương con.