Sắt
Thực phẩm cho bé
Sắt là khoáng chất quan trọng và cần thiết để cơ thể hoạt động bình thường. Sắt giúp hình thành huyết sắc tố hemoglobin, một thành phần quan trọng của hồng cầu, chịu trách nhiệm vận chuyển oxy từ phổi đến tất cả các cơ quan trong cơ thể. Thiếu sắt có thể dẫn đến thiếu máu, từ đó ảnh hưởng đến sự phát triển và tăng trưởng của bé.
con của mẹ cần bao nhiêu sắt?
Nhu cầu sắt của bé phụ thuộc vào độ tuổi của con.
- Trẻ sơ sinh thường nhận được đủ sắt từ sữa mẹ hoặc sữa công thức có bổ sung sắt. Những bé không nhận đủ sắt có thể được bác sĩ kê đơn bổ sung sắt dưới dạng giọt. Trong khi đó, các thực phẩm giàu sắt như ngũ cốc, thịt xay, lòng đỏ trứng và các loại rau lá xanh như rau bina, súp lơ xanh thường được bổ sung vào chế độ ăn khi bé được 4 – 6 tháng tuổi.
Sau đó, nhu cầu sắt hàng ngày của bé phụ thuộc vào độ tuổi:
- 7 – 12 tháng tuổi: 11 mg/ngày
- 1 – 3 tuổi: 7 mg/ngày
- 4 – 8 tuổi: 10 mg/ngày
- 9 – 13 tuổi: 8 mg/ngày
- 14 – 18 tuổi với bé gái: 15 mg/ngày
- 14 – 18 tuổi với bé trai: 11 mg/ngày
Các vận động viên trẻ phải tập luyện cường độ cao sẽ mất nhiều sắt, nên cần nhiều sắt hơn từ chế độ ăn uống. Người ăn chay cũng có thể cần bổ sung thêm sắt.
Điều gì sẽ xảy ra khi cơ thể thiếu sắt?
Khi cơ thể không có đủ sắt – thiếu sắt, cơ thể sẽ không thể tạo đủ hemoglobin, kết quả là quá trình sản xuất hồng cầu bị giảm sút. Nếu không được khắc phục, tình trạng này sẽ dẫn đến thiếu máu do thiếu sắt, khiến bé yếu ớt, xanh xao và luôn cảm thấy mệt mỏi vì các tế bào trong cơ thể không nhận đủ oxy.
Thiếu sắt có thể xảy ra ở trẻ nhỏ và trẻ lớn nếu chế độ ăn uống của con ít thực phẩm chứa sắt hoặc nếu cơ thể con khó hấp thụ sắt. Các bé gái trong độ tuổi dậy thì cũng có thể bị thiếu sắt vì nếu chế độ ăn không cung cấp đủ sắt để bù đắp lượng máu mất đi trong kỳ kinh nguyệt.
Nguyên nhân thiếu sắt
Các nguyên nhân gây thiếu sắt bao gồm:
- Sinh non hoặc cân nặng khi sinh thấp
- Không cho bé bú mẹ ăn thực phẩm giàu sắt sau 6 tháng tuổi
- Cho bé ăn sữa công thức không bổ sung sắt
- Uống quá nhiều sữa hàng ngày khiến cơ thể không nhận đủ sắt từ các nguồn cung cấp sắt tự nhiên
- Chế độ ăn uống kiêng khem, nghèo nàn
- Mất máu mãn tính
- Không bổ sung đủ vitamin C vì vitamin C giúp cơ thể hấp thụ sắt
- Uống trà: cả cà phê và trà đều chứa tanin, một chất ngăn cản cơ thể hấp thụ sắt
Làm thế nào để giúp con của mẹ nhận đủ sắt?
Chế phẩm bổ sung: Nếu mẹ đang cho con ăn sữa công thức có bổ sung sắt, bé đã nhận đủ lượng sắt theo nhu cầu. Nếu bé bú mẹ, hãy trao đổi với bác sĩ về việc bổ sung sắt, đặc biệt với các bé sinh non. Với các bé đủ tháng, nên bắt đầu bổ sung sắt khi bé được 4 tháng tuổi và tiếp tục đến khi bé có thể ăn hai hoặc nhiều thực phẩm giàu sắt mỗi ngày.
Ăn các thực phẩm giàu sắt: Khi mẹ bắt đầu cho bé ăn dặm, hãy cung cấp các thực phẩm có bổ sung sắt, chẳng hạn như ngũ cốc bổ sung sắt, thịt xay và đậu nghiền. Đối với các bé lớn, nguồn cung cấp sắt tốt nhất là thịt đỏ, thịt gà, cá, đậu và rau chân vịt.
Không cho con uống quá nhiều sữa: Các bé từ 1 – 5 tuổi không nên uống quá 700ml sữa mỗi ngày.
Tăng cường hấp thụ: Vitamin C giúp tăng khả năng hấp thụ sắt từ thực phẩm. Mẹ có thể giúp bé hấp thụ sắt bằng cách cho con ăn các thực phẩm giàu vitamin C như trái cây họ cam quýt, dưa lưới, dâu tây, ớt chuông, cà chua và rau xanh đậm.
Biểu hiện thiếu sắt ở trẻ em:
Thiếu sắt thường không biểu hiện triệu chứng bất thường cho đến khi thiếu máu do thiếu sắt xảy ra. Biểu hiện thiếu máu thiếu sắt như sau:
- Da xanh xao
- Mệt mỏi
- Tay chân lạnh
- Tăng trưởng và phát triển chậm
- Chán ăn
- Thở nhanh bất thường
- Có vấn đề về hành vi
- Nhiễm trùng thường xuyên
- Thèm ăn những thứ không phải đồ ăn như đá, đất, sơn, bột mì.
Nếu con có nguy cơ thiếu sắt hoặc mẹ nhận thấy bất kỳ triệu chứng nào trong số những triệu chứng trên, hãy liên hệ với bác sĩ nhi khoa.
Đã chứng nhận:
Trang Do Hanh (1 December 2024)