Sốt
Sức khỏe của bé
Bất kỳ em bé khỏe mạnh nào đều có thể bị sốt. Dẫu vậy, rất nhiều bậc cha mẹ cảm thấy lo lắng khi con mình lần đầu bị sốt.
Sốt là gì?
Sốt xảy ra khi nhiệt độ cơ thể của bé cao hơn mức bình thường. Sốt thường là phản ứng tự nhiên của hệ miễn dịch với các tác nhân gây nhiễm trùng như virus, vi khuẩn. Hầu hết các bé khỏe mạnh đều có thể dễ dàng vượt qua cơn sốt.
Thế nào là nhiệt độ bình thường?
Nhiệt độ cơ thể bình thường là khoảng 37°C (dùng nhiệt kế điện tử sẽ cho kết quả chính xác nhất).
Nhiệt độ từ 38 – 38.9°C là sốt nhẹ
Nhiệt độ từ 39 – 39.9°C là sốt cao
Nhiệt độ từ 40°C trở lên là sốt rất cao
Các giai đoạn của sốt
- Bé có thể cảm thấy lạnh, sờ, tay và chân bé lạnh nhưng đầu lại nóng, hai má ửng đỏ và bé ít hoạt động hơn. Khi mẹ thấy tay chân con lạnh, tốt nhất nên cho bé nằm trên giường ấm với túi chườm nóng.
- Khi cơ thể bé điều chỉnh về nhiệt độ ổn định hơn, chân và tay ấm trở lại, mẹ có thể hạ sốt cho bé bằng cách đặt khăn mát lên trán, bắp chân và cổ.
- Khi cơ thể con thải nhiệt và nhiệt độ cơ thể dần trở về bình thường, toàn thân con nóng vã mồ hôi, con có thể cảm thấy thư giãn hơn và dễ buồn ngủ.
Cách điều trị sốt nhẹ
Hầu hết các cơn sốt sẽ kéo dài trong 3 – 4 ngày và sốt nhẹ có thể không cần điều trị. Nếu con sốt nhẹ, mẹ có thể chăm sóc con như sau:
- Cho con bú mẹ hoặc sữa công thức thường xuyên hơn.
- Cho bé uống nhiều nước bằng cách uống từng chút một và thường xuyên với trẻ lớn.
- Mặc quần áo mỏng, đắp chăn mỏng và giữ nhiệt độ phòng ở mức bình thường.
- Dùng khăn mát lau mặt, cánh tay, cổ hoặc tắm bằng nước ấm để hạ sốt. Tránh các biện pháp hạ sốt quá nhanh khiến con lạnh run người. Run cơ có thể gây tăng thân nhiệt và khiến tình trạng sốt trầm trọng hơn.
- Có thể cho con uống Paracetamol để hạ sốt, giảm đau đầu hoặc cảm giác khó chịu với liều lượng được quy định trên tờ hướng dẫn sử dụng. Không cho bé uống bất kỳ loại thuốc nào khác trừ khi được bác sĩ kê đơn.
- Theo dõi màu da, hoạt động, tình trạng hô hấp và mất nước của con sau khi cho con uống Paracetamol và Ibuprofen.
- Theo dõi bé vào ban đêm
- Đưa con đến bệnh viện nếu tình trạng sốt không cải thiện hoặc bé sốt cao hơn.
Dấu hiệu nguy hiểm cần đưa con đi khám ngay lập tức
- Bé dưới 3 tháng tuổi bị sốt, dù sốt nhẹ cũng cần đưa đi khám.
- Bé từ 3 – 6 tháng tuổi bị sốt cao (trên 39°C).
- Bé vẫn sốt sau 3 ngày điều trị tại nhà hoặc bệnh có dấu hiệu nặng hơn.
- Bé rét run, răng va lập cập.
- Bé đau đầu nặng không thuyên giảm dù đã dùng thuốc giảm đau.
- Bé khó thở hoặc thở bất thường.
- Bé lơ mơ hoặc ngủ khó đánh thức.
- Bé yếu mệt, ít cử động hoặc kêu đau chân.
- Bé có các triệu chứng của viêm màng não như ảo giác, nôn mửa, cứng cổ, nổi ban trên da
- Với các bé lớn, mẹ cần quan sát triệu chứng của bé và hỏi bé cảm thấy thế nào. Có nhiều bệnh nhẹ nhưng khiến con sốt rất cao và ngược lại, con sốt nhẹ nhưng lại bệnh lại rất nghiêm trọng.
- Bé bị co giật
Co giật do sốt là gì?
Đôi khi sốt có thể dẫn đến co giật khiến người bé mềm nhũn hoặc co cứng. Bé cũng có thể bất tỉnh, không nhận thức được môi trường xung quanh hoặc khó thở. Co giật do sốt thường không gây hại. Nếu tình huống này xảy ra, mẹ có thể xử trí theo các bước sau:
- Đặt bé nằm nghiêng sang một bên.
- Đảm bảo con không hít phải chất nôn.
- Nếu cơn co giật không dừng lại trong vòng năm phút, hãy gọi cấp cứu.
- Đưa bé đến bác sĩ sau khi cơn co giật đã dừng lại.
Những điều cần nhớ
- Sốt nhẹ thường là phản ứng tự nhiên của cơ thể với tình trạng nhiễm trùng và không đáng lo ngại nếu con không có thêm triệu chứng bất thường nào khác.
- Mẹ nên quan sát kỹ toàn trạng của con và chú ý các triệu chứng kèm theo.
- Khi con sốt, điều quan trọng nhất là quan tâm, chăm sóc bé nhiều hơn và cho con nghỉ ngơi để cơ thể con hồi phục nhanh chóng.