Tháng thứ 10: Học ngôn ngữ
Cập nhật sự phát triển của bé theo từng tháng
Khả năng học ngôn ngữ của con của mẹ phát triển vượt bậc trong giai đoạn này.
Tiếp xúc với ngữ âm và vốn từ đa dạng giúp con phát triển ngôn ngữ dễ dàng hơn trong những năm tới.
Bố mẹ và bé sẽ như thế nào trong tháng thứ 10?
con của mẹ tiếp tục hoàn thiện các kỹ năng vận động và con bắt đầu học cách sử dụng ngón cái và ngón trỏ (kiểu gọng kìm) để nhặt đồ vật có kích thước nhỏ. Một vài bé bắt đầu tập đu người để đứng vịn và đi men.
Khi bộ não của con của mẹ chuẩn bị tiếp thu ngôn ngữ, con sẽ nhận biết được các từ hoặc cụm từ cơ bản như tạm biệt, mama, đến đây, không. Những hình thức giao tiếp phức tạp cần sử dụng nhiều kỹ năng đồng thời, ví dụ chỉ vào một chú cún và nói “cún” hoặc vẫy tay và nói “tạm biệt”, chưa xuất hiện ở thời điểm này, nhưng sẽ sớm phát triển và được con sử dụng thường xuyên hơn.
Mặc dù con của mẹ chưa nói được nhiều từ, nhưng ở độ tuổi này, con có thể hiểu ngôn ngữ nhiều hơn những gì con diễn đạt bằng lời. Điều này rất quan trọng bởi lẽ bố mẹ có thể tạo ra môi trường thuận lợi để thúc đẩy con nghe, nhìn, nói chuyện thường xuyên nhằm giúp con phát triển khả năng hiểu từ vựng.
Cửa sổ ngôn ngữ là gì?
Khoảng thời gian mà con người có thể tiếp thu kỹ năng ngôn ngữ hiệu quả nhất được gọi là cửa sổ ngôn ngữ. Cửa sổ ngôn ngữ chủ yếu diễn ra vào giai đoạn đầu đời và đạt đỉnh lúc 10 tháng tuổi. Trong giai đoạn này, bé dễ dàng tiếp thu âm thanh và học ngôn ngữ, nhưng không có nghĩa là bé không thể học ngôn ngữ sau độ tuổi này. Cửa sổ ngôn ngữ tạo điều kiện cho bố mẹ và người chăm sóc bé xây dựng môi trường và sự tương tác tốt nhất để hỗ trợ con phát triển ngôn ngữ.
Hỗ trợ con phát triển ngôn ngữ
Giao tiếp có chủ đích: Bé học hiệu quả nhất thông qua tương tác trực tiếp với người lớn. Khi con tích lũy vốn từ vựng, điều quan trọng là nói chậm, nhấn mạnh các từ và cho con của mẹ quan sát chuyển động môi của bố mẹ khi nói, để con nhận biết đúng âm thanh và âm tiết. Nếu con của mẹ đang chơi hoặc cầm một món đồ, bố mẹ có thể gọi tên món đồ đó để giúp con học từ mới và hiểu ngữ cảnh của từ.
Thói quen đọc sách: Hãy duy trì thói quen đọc sách mỗi ngày. Chẳng hạn, trước giờ đi ngủ là thời điểm tuyệt vời để bố mẹ giới thiệu cho con những từ ngữ mới. Bố mẹ có thể bắt đầu với những cuốn sách có hình ảnh lớn để giúp con làm quen với các khái niệm cơ bản về màu sắc, con vật. Khi con lớn hơn, hãy chuyển sang những cuốn sách dày hơn và có cốt truyện để dạy con các kỹ năng đọc viết nâng cao.
Thường xuyên nói chuyện với con: Một cách hữu ích khác để xây dựng vốn từ vựng phong phú cho con là trò chuyện về nhu cầu và cảm xúc của con. Cách này cũng giúp con bồi đắp nền tảng sức khỏe tinh thần tốt và cảm xúc lành mạnh. Ví dụ, khi con trải qua những cảm xúc cơ bản như giận dữ, buồn bã, hạnh phúc, phấn khích, bố mẹ hãy mô tả những cảm xúc này cho con của mẹ . Từ đó, con có thể hiểu được cảm xúc của bản thân. Điều này sẽ vô cùng hữu ích trong những năm tới.
Vì sao học ngôn ngữ mới ở thời điểm này rất quan trọng?
Phát triển ngôn ngữ không phải chỉ để giao tiếp mà còn góp phần giúp con có được sức khỏe tinh thần tốt và cuộc sống hạnh phúc trong tương lai. Khi có đủ vốn từ để truyền tải suy nghĩ và cảm xúc của bản thân, con sẽ thể hiện và giao tiếp với người khác tốt hơn. Kỹ năng ngôn ngữ cũng cần thiết để con hợp tác thành công với mọi người xung quanh, ví dụ: khi thảo luận, đàm phán ở trường hoặc ở nhà. Có thể thấu hiểu người khác và biết cách bày tỏ để người khác hiểu được mình sẽ góp phần mang lại cuộc sống hạnh phúc hơn.
Đã chứng nhận:
Trang Do Hanh (1 June 2023)