Tải ứng dụng

Tháng thứ 5: Tìm hiểu thói quen ngủ của con

Cập nhật sự phát triển của bé theo từng tháng

Tháng thứ 5: Tìm hiểu thói quen ngủ của con

Khi bé thức nhiều hơn, con của mẹ sẽ dành nhiều thời gian để chơi đùa và khám phá thế giới xung quanh. Lúc này, bố mẹ có thể cân nhắc xây dựng thói quen ngủ cho con.

Bố mẹ và bé sẽ như thế nào trong tháng thứ 5?
Sau khi phát hiện được khả năng cầm nắm của bàn tay, con bắt đầu nắm lấy mọi thứ trong tầm với và cố gắng túm ngón chân của mình lúc nằm ngửa. Khả năng cầm nắm là bước phát triển lớn của bé, cho thấy con đang dần tự nhận thức và tìm hiểu các bộ phận trên cơ thể cũng như phát triển khả năng phối hợp tay – mắt.

Về các kỹ năng xã hội và vui chơi, con của mẹ đã bớt giật mình trước những âm thanh lớn và con có thể yêu thích đồ chơi âm nhạc, những hoạt động di chuyển như đu đưa, lắc lư, nhảy, múa.

Ở giai đoạn này, con dành nhiều thời gian để rèn luyện các kỹ năng sống quan trọng và ngủ ít hơn, nên bố mẹ khó có thể phát hiện dấu hiệu đói bụng, mệt mỏi của bé. Bố mẹ nên chú ý quan sát sự thay đổi trong hành vi của con để hiểu được chu kỳ giấc ngủ khác trước như thế nào, từ đó giúp con điều chỉnh thói quen ngủ sao cho phù hợp.

Chu kỳ giấc ngủ ở trẻ nhỏ
Một chu kỳ giấc ngủ gồm 2 giai đoạn chính: giấc ngủ REM và giấc ngủ Non-REM. Chu kỳ giấc ngủ bắt đầu khi bé chìm vào giấc ngủ, sau đó con sẽ bước vào giấc ngủ Non-REM (gồm giai đoạn ngủ nông và giai đoạn ngủ sâu), rồi chuyển sang giấc ngủ REM sâu (đây là lúc mà con có thể ngủ mơ). Một chu kỳ giấc ngủ điển hình ở người lớn thường kéo dài 90 phút, nhưng chỉ khoảng 50 – 60 phút ở các bé 5 tháng tuổi.

Con có thể cựa quậy và phát ra âm thanh ở giai đoạn đầu của giấc ngủ Non-REM, nhưng khi bước vào giai đoạn ngủ sâu, con sẽ ngủ yên. Trong giấc ngủ REM và khi chuyển tiếp từ chu kỳ giấc ngủ trước sang chu kỳ giấc ngủ tiếp theo, bé có thể tỉnh giấc. Trẻ nhỏ dành 50% thời gian ngủ trong giấc ngủ REM. Trong khi đó, người lớn chỉ dành 20% thời gian ngủ ở giai đoạn này. Đây chính là lý do vì sao con của mẹ thường tỉnh giấc trong giấc ngủ dài ban đêm.

Ở độ tuổi này, bé cần ngủ tổng cộng 15 tiếng mỗi ngày. Trong đó, 10 – 12 tiếng dành cho giấc ngủ ban đêm và 2 – 3 giấc ngủ ngắn ban ngày.

 

 

 

 

Giấc ngủ đóng vai trò quan trọng với sự phát triển khỏe mạnh của con của mẹ . Trong mỗi giai đoạn của giấc ngủ, cơ thể và não bộ đều trải qua quá trình sửa chữa và tăng trưởng cần thiết. Ở độ tuổi này, con của mẹ luôn muốn khám phá thế giới xung quanh, do đó con cần duy trì những thói quen mà con có thể dự đoán được để đảm bảo ngủ đủ giấc.

Xây dựng thói quen ngủ cho bé

Nghi thức ngủ lành mạnh: Nghi thức ngủ là các yếu tố giúp con dễ dàng chìm vào giấc ngủ, chẳng hạn ngậm ti giả, đung đưa. Nghi thức ngủ lành mạnh cho phép bé dễ dàng ngủ lại khi con tỉnh giấc giữa các chu kỳ giấc ngủ. Bố mẹ có thể xây dựng nghi thức ngủ lành mạnh cho bé bằng cách tạo ra các mối liên kết độc lập với giấc ngủ ban đêm. Ví dụ, tắt đèn và ngừng trò chuyện để tạo ra không gian yên tĩnh trước khi ngủ. Nhờ đó, khi tỉnh giấc giữa đêm, con nhận ra môi trường xung quanh giống như lúc con bắt đầu ngủ và không cảm thấy sợ hãi.

Thói quen ngủ có thể dự đoán được: Với những bé có tính khí khó chịu hoặc thận trọng khiến con khó chìm vào giấc ngủ, xây dựng thói quen ngủ là biện pháp hữu ích. Khi con biết điều gì sắp xảy ra trong chuỗi các hoạt động quen thuộc trước giờ đi ngủ, con có thể chuẩn bị tinh thần và bình tĩnh hơn.

Ngủ chung: Nếu bé chưa sẵn sàng rời xa bố mẹ, ngủ chung là biện pháp tuyệt vời để giúp con ngủ ngon mà không cần bố mẹ giúp đỡ về mặt thể chất. Khi con biết rằng bố mẹ luôn ở bên, con sẽ cảm thấy an toàn và dễ ngủ hơn.

Vì sao bố mẹ nên tìm hiểu về chu kỳ giấc ngủ của con?
Nhiều bố mẹ nuôi con lần đầu cảm thấy khó khăn khi tìm hiểu kiểu ngủ của con vì có nhiều kiểu ngủ khác nhau và kiểu ngủ của con sẽ thay đổi theo từng giai đoạn. Ví dụ, một số bé không ngủ liên tục trong 5 tiếng ban đêm nhưng một số bé lại có thể ngủ 10 tiếng liền mạch. Hoặc có những bé chưa thể xây dựng chu kỳ giấc ngủ hoàn chỉnh (ngủ suốt đêm) đến khi tròn 2 tuổi.

Khi lớn lên, những giấc ngủ ngắn ban ngày của bé sẽ giảm dần và gộp lại thành một giấc ngủ dài ở giai đoạn 3 tuổi. Số lượng và thời gian thức dậy của những giấc ngủ ngắn ban ngày thay đổi theo từng ngày trong 3 năm đầu đời có thể khiến những ông bố bà mẹ nuôi con lần đầu cảm thấy bối rối.

Ngoài ra, khi gần được 6 tháng tuổi, con của mẹ sẽ trải qua nhiều thay đổi lớn như lo lắng khi xa cách bố mẹ. Tình trạng này cũng có thể làm gián đoạn giấc ngủ của con của mẹ .

Vì vậy, những ông bố, bà mẹ nuôi con lần đầu hoặc những bố mẹ bị thiếu ngủ, mắc chứng trầm cảm có thể muốn luyện ngủ cho con, tức là để cho con khóc tới khi con tự chìm vào giấc ngủ ban đêm nhằm giúp con ngủ lâu hơn. Tuy nhiên, để con khóc trong thời gian dài sẽ tạo ra căng thẳng độc hại, cản trở quá trình tăng trưởng và phục hồi cần thiết của cơ thể cũng như não bộ trong thời gian ngủ. Bên cạnh đó, con chỉ học được kỹ năng xoa dịu và điều chỉnh cảm xúc của bản thân khi bố mẹ chú ý chứ không phải bỏ mặc nhu cầu của con.

Cuối cùng, các yếu tố của môi trường như ánh sáng, âm thanh và yếu tố di truyền có thể ảnh hưởng tới khả năng ổn định giấc ngủ và thời gian ngủ của bé. Đây là lý do vì sao bố mẹ nên chú ý quan sát con của mẹ và đáp ứng những nhu cầu riêng của con thay vì so sánh thói quen ngủ của con với những bé khác để rồi gây căng thẳng cho mọi người xung quanh.

Tải ứng dụngỨng dụng theo dõi thai kỳ hàng ngày & Nuôi dạy con

Ứng dụng theo dõi thai kỳ hàng ngày & Nuôi dạy con

Xếp hạng 4.9 sao từ hơn 10.000 bài đánh giá

Xếp hạng 4.9 sao từ hơn 10.000 bài đánh giá