Vàng da
Sức khỏe của bé

Vàng da là một trong những tình trạng phổ biến nhất ở trẻ sơ sinh. Cứ 10 trẻ sơ sinh thì có 6 bé bị vàng da, nhưng chỉ có 1 trong 20 bé có nồng độ bilirubin trong máu ở ngưỡng cao và cần điều trị.
Nguyên nhân gây vàng da
Vàng da xảy ra khi gan của bé không thể phân hủy kịp thời các tế bào hồng cầu. Hậu quả là mức bilirubin trong máu của bé tăng cao và da của bé chuyển sang màu vàng. Vì vậy, hầu hết các bệnh viện đều kiểm tra tình trạng vàng da cho bé trong vòng 3 ngày đầu sau khi sinh.
Các loại vàng da
Các loại vàng da phổ biến nhất bao gồm:
- Vàng da sinh lý/ bình thường: Đây là loại vàng da mức độ nhẹ, do gan của trẻ sơ sinh chưa phát triển hoàn thiện. Tình trạng này thường xuất hiện khi bé được khoảng 2 ngày tuổi và biến mất trong vòng 2 tuần.
- Vàng da ở bé sinh non: Các bé đẻ non thường bị vàng da vì cơ thể chưa sẵn sàng để loại bỏ bilirubin.
- Vàng da do bú mẹ: Thường xảy ra khi bé không bú đủ sữa mẹ, chứ không phải do sữa mẹ có vấn đề. Trong trường hợp này, mẹ nên tham khảo ý kiến của chuyên gia tư vấn sữa mẹ.
- Vàng da do sữa mẹ: Khoảng 1% các bé bú mẹ bị vàng da do các chất trong sữa mẹ làm tăng nồng độ bilirubin máu của bé.
- Không tương thích nhóm máu: Tình trạng này xảy ra nếu mẹ và bé có nhóm máu khác nhau. Cơ thể mẹ có thể sản xuất kháng thể phá hủy hồng cầu của bé, dẫn đến bé bị tăng bilirubin máu.