Tải ứng dụng

Vượt qua trầm cảm sau sinh

Sức khỏe tâm thần

Vượt qua trầm cảm sau sinh

Với sự hỗ trợ và chăm sóc chuyên nghiệp, hầu hết các mẹ sẽ hồi phục hoàn toàn khỏi trầm cảm sau sinh, nhưng quá trình này có thể cần rất nhiều thời gian.

Tại sao mẹ nên đi khám và điều trị trầm cảm sau sinh?
Sức khỏe tinh thần của mẹ rất quan trọng. Nếu mẹ bị trầm cảm hoặc rối loạn lo âu, mẹ sẽ không thể chăm sóc tốt cho bản thân và em bé.

Điều đó có nghĩa là, nếu mẹ được chẩn đoán mắc chứng trầm cảm sau sinh hoặc nghi ngờ mình đang mắc rối loạn này, mẹ cần trò chuyện với ai đó cũng như tìm kiếm sự hỗ trợ từ những người mẹ có cùng hoàn cảnh và liên hệ với bác sĩ ngay lập tức.

Chẩn đoán trầm cảm sau sinh
Nếu mẹ có nguy cơ mắc trầm cảm sau sinh, bác sĩ sẽ đánh giá tâm trạng của mẹ trong suốt thai kỳ. Sau khi sinh con, mẹ và các thành viên trong gia đình nên chú ý theo dõi dấu hiệu của trầm cảm. Nếu mẹ nhận thấy bất kỳ triệu chứng nào, hãy đề nghị bác sĩ sản khoa giới thiệu mẹ với bác sĩ chuyên khoa tâm thần.

Đây là các bài kiểm tra sàng lọc phổ biến mà bác sĩ có thể sử dụng để đánh giá tâm trạng của mẹ:

Thang điểm trầm cảm sau sinh Edinburgh (EPDS): Bao gồm 10 câu hỏi ngắn, yêu cầu mẹ trả lời về tần suất mà mẹ cảm thấy như vậy trong 7 ngày qua. Ví dụ: “Tôi cảm thấy lo âu hoặc lo lắng không rõ lý do” hoặc “Tôi có suy nghĩ tự làm hại bản thân.”

Bảng 2 câu hỏi về sức khỏe của bệnh nhân (PHQ-2): Đây là bảng câu hỏi ngắn dành cho phụ nữ có khả năng mắc chứng trầm cảm sau sinh. Một trong những câu hỏi mà mẹ cần trả lời là: “Trong 2 tuần qua, bạn có thường xuyên cảm thấy không hứng thú hoặc không vui vẻ khi làm mọi việc, hoặc cảm thấy buồn bã, bất lực không?” Nếu câu trả lời là “Hầu như mỗi ngày”, rất có thể mẹ đang bị trầm cảm sau sinh. 

Bảng 9 câu hỏi về sức khỏe của bệnh nhân (PHQ-9): Đây thường là bước tiếp theo nếu kết quả của PHQ-2 cho thấy mẹ có nguy cơ bị trầm cảm. Bác sĩ sẽ hỏi mẹ về các triệu chứng khác như tình trạng giấc ngủ, thay đổi cảm giác thèm ăn, khó tập trung làm việc và kiệt sức. Càng gặp những triệu chứng này thường xuyên, nguy cơ mẹ bị trầm cảm càng cao.

Xét nghiệm máu thường không cần thiết trong chẩn đoán trầm cảm sau sinh, nhưng bác sĩ có thể yêu cầu mẹ xét nghiệm máu để kiểm tra chức năng tuyến giáp, vì suy giáp có thể gây ra các triệu chứng tương tự trầm cảm sau sinh.

Điều trị trầm cảm sau sinh
Có 3 phương pháp điều trị chính:

Tự chăm sóc: Bao gồm trò chuyện với gia đình, bạn bè và đặc biệt là với những mẹ đã trải qua hoặc đang trải qua trầm cảm sau sinh.

Liệu pháp tâm lý: Được thực hiện bởi chuyên gia sức khỏe tâm thần có kinh nghiệm điều trị trầm cảm sau sinh. Phương pháp điều trị này thường bao gồm liệu pháp nhận thức hành vi (CBT) nhằm giúp mẹ nhận biết và thay đổi suy nghĩ, hành vi gây hại cho sức khỏe tinh thần của bản thân. 

Thuốc: Thuốc chống trầm cảm có thể được đề xuất nếu tình trạng trầm cảm của mẹ nghiêm trọng hoặc các phương pháp điều trị khác không hiệu quả. Nếu mẹ đang cho con bú, bác sĩ sẽ kê loại thuốc an toàn, không gây hại cho em bé. 

Điều trị trầm cảm khi cho con bú
Nếu mẹ cần sử dụng thuốc chống trầm cảm, hãy tin tưởng bác sĩ, bác sĩ biết phải làm gì. Có những loại thuốc chống trầm cảm không đi vào sữa mẹ nên không ảnh hưởng đến em bé. Mẹ có thể yên tâm rằng bác sĩ sẽ đưa ra phác đồ điều trị phù hợp nhất.

Cho dù mẹ có cho con bú hay không, nếu mẹ bị trầm cảm sau sinh hoặc gặp phải những thay đổi tâm trạng nghiêm trọng, ảnh hưởng đến cuộc sống và cách mẹ chăm sóc em bé, hãy tìm kiếm sự giúp đỡ ngay lập tức. Mẹ nên thông báo cho chồng, cố gắng tìm sự hỗ trợ từ những người mẹ có cùng hoàn cảnh và liên hệ với bác sĩ trước khi bệnh tình ảnh hưởng đến sức khỏe của mẹ và bé. Với sự giúp đỡ, mẹ có thể khỏi bệnh và ngăn chặn các triệu chứng trở nên trầm trọng hơn.

Lời cảm ơn
Bài viết về điều trị trầm cảm sau sinh được thực hiện với sự hợp tác và hỗ trợ của Quỹ Pranaiya & Arthur Magoffin, nhằm cải thiện chất lượng cuộc sống cho bố mẹ và em bé. 

Tải ứng dụngỨng dụng theo dõi thai kỳ hàng ngày & Nuôi dạy con

Ứng dụng theo dõi thai kỳ hàng ngày & Nuôi dạy con

Xếp hạng 4.9 sao từ hơn 10.000 bài đánh giá

Xếp hạng 4.9 sao từ hơn 10.000 bài đánh giá