Vượt qua trầm cảm trong thai kỳ
Sức khỏe tâm thần

Trầm cảm là một dạng rối loạn cảm xúc với triệu chứng đặc trưng là cảm giác buồn bã dai dẳng, thiếu năng lượng và mất hứng thú với những điều mà mẹ từng yêu thích.
Trầm cảm có thể xảy ra trong thai kỳ khiến hành trình mang thai trở nên khó khăn hơn với cả mẹ và thai nhi đang phát triển.
Trầm cảm trong thai kỳ
Trầm cảm là tình trạng tương đối phổ biến trong thai kỳ với tỷ lệ mắc là khoảng 1 trong 10 mẹ bầu.
Không ai biết vì sao trầm cảm xảy ra, nhưng các bằng chứng khoa học cho thấy sự thay đổi hormone và căng thẳng trong thai kỳ có liên quan tới tình trạng này.
Những phụ nữ từng bị trầm cảm hoặc đang sống với trầm cảm trước khi mang thai có nguy cơ cao bị tái phát hoặc bệnh tình trở nên trầm trọng hơn trong thai kỳ.
Một số yếu tố có thể gây ra trầm cảm trong thai kỳ bao gồm:
- Căng thẳng trong cuộc sống
- Thiếu hỗ trợ xã hội
- Mang thai ngoài ý muốn
- Mang thai lần đầu
- Bạo lực trong mối quan hệ
- Cô đơn
- Rối loạn giấc ngủ
- Lo lắng
Dấu hiệu của trầm cảm
Các triệu chứng của trầm cảm thường giống với thay đổi tâm trạng thông thường, nhưng nếu tình trạng này kéo dài, có thể mẹ đang mắc trầm cảm. Nhìn chung, các triệu chứng của trầm cảm bao gồm:
- Hầu hết các ngày trong tuần và hầu hết thời gian trong ngày, mẹ đều cảm thấy chán nản
- Thiếu năng lượng hoặc cảm thấy kiệt sức
- Mất hứng thú với công việc hoặc các hoạt động khác
- Ngủ nhiều hơn bình thường hoặc khó ngủ
- Chán ăn, sụt cân hoặc ăn quá nhiều, tăng cân
- Cảm thấy tội lỗi, tuyệt vọng hoặc vô dụng
- Khó tập trung, chú ý hoặc ra quyết định
- Có suy nghĩ về cái chết hoặc tự tử
Trầm cảm ảnh hưởng đến thai kỳ như thế nào?
Nếu trầm cảm không được điều trị trong thời gian mang thai, mẹ có thể gặp khó khăn khi chăm sóc bản thân, không ăn uống lành mạnh và nghỉ ngơi đầy đủ. Nếu bị trầm cảm nặng, mẹ có thể tự làm hại bản thân. Ngoài ra, không điều trị trầm cảm trong thai kỳ còn làm tăng nguy cơ mắc chứng trầm cảm sau sinh.
Không chỉ ảnh hưởng tới mẹ, trầm cảm không được điều trị trong thời gian mang thai cũng có thể gây hại cho thai nhi, chẳng hạn:
- Ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi
- Bé có thể có vấn đề về sức khỏe sau khi chào đời
- Bé có thể gặp phải các vấn đề về cảm xúc và hành vi trong tương lai
Điều trị trầm cảm trong thai kỳ
Các phương pháp điều trị trầm cảm bao gồm:
- Tâm lý trị liệu: Bao gồm liệu pháp nhận thức hành vi (CBT) và trị liệu giữa các cá nhân (IPT).
- Nhóm hỗ trợ: Các thành viên trong nhóm sẽ gặp nhau trực tiếp hoặc trực tuyến để chia sẻ cảm xúc và kinh nghiệm về các chủ đề liên quan. Mẹ có thể nhờ nhà trị liệu gợi ý một số nhóm hỗ trợ hoặc tự tìm kiếm trên mạng.
- Thuốc: Bác sĩ có thể kê cho mẹ một hoặc nhiều loại thuốc chống trầm cảm (nếu cần). Không tự ý bắt đầu hoặc ngừng sử dụng bất kỳ loại thuốc nào mà không có chỉ định của bác sĩ.
- Liệu pháp sốc điện (ECT): Nếu điều trị bằng thuốc không hiệu quả, bác sĩ có thể đề xuất liệu pháp sốc điện. Phương pháp này sẽ truyền dòng điện qua não để khôi phục sự cân bằng của các chất dẫn truyền thần kinh. Liệu pháp sốc điện được xem là an toàn khi sử dụng trong thai kỳ.
Bác sĩ và mẹ sẽ cùng quyết định xem đâu là phương pháp điều trị phù hợp nhất. Đôi khi mẹ cần được kết hợp nhiều phương pháp điều trị với nhau.
Thuốc chống trầm cảm có an toàn với mẹ bầu không?
Ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy các loại thuốc chống trầm cảm hiện nay tương đối an toàn với mẹ bầu vì nguy cơ gây hại cho thai nhi rất thấp hoặc không có. Tuy nhiên, các tác động lâu dài của thuốc chống trầm cảm chưa được xác định rõ ràng. Bác sĩ sẽ giải thích những rủi ro và lợi ích cho mẹ trước khi kê đơn bất kỳ loại thuốc chống trầm cảm nào.
Lời cảm ơn
Bài viết về trầm cảm trong thai kỳ được thực hiện với sự hợp tác và hỗ trợ của Quỹ Pranaiya & Arthur Magoffin, nhằm cải thiện chất lượng cuộc sống cho bố mẹ và em bé.
Đã chứng nhận:
Trang Do Hanh (1 December 2024)