Rỉ ối: dấu hiệu vỡ ối sớm
Những điều cần biết
Nước ối là khối chất lỏng đệm ấm áp bao bọc và bảo vệ em bé trong bụng mẹ.
Đôi khi nước ối bị rò rỉ khiến mẹ và thai nhi đối diện với một số nguy cơ nhất định.
Rỉ ối là gì?
Nước ối được bao bọc kín trong màng ối. Thông thường, màng ối sẽ vỡ trong quá trình chuyển dạ, tình trạng này được gọi là vỡ ối. Đôi khi, túi nước ối vỡ trước ngày dự sinh hoặc khi mẹ đang chuyển dạ. Tình trạng này được gọi là ối vỡ non(PROM) dẫn đến rỉ ối.
Khi vỡ ối đủ tháng, hầu hết các sản phụ sẽ chuyển dạ trong vòng 24 giờ. Nếu vỡ ối sớm trước tuần thứ 37 của thai kỳ thì được gọi là ối vỡ non (PROM). Vỡ ối càng sớm thì tình trạng của mẹ và bé càng trở nên nghiêm trọng.
Những hiểu biết về lượng nước ối
Lượng nước ối có xu hướng tăng lên trong quá trình mang thai và đạt mức cao nhất vào khoảng tuần thứ 36 của thai kỳ.
- Khi thai được 12 tuần tuổi, lượng nước ối khoảng 60 mililit (mL)
- Khi thai được 16 tuần tuổi, lượng nước ối khoảng 175 mililit (mL)
- Giữa tuần thứ 34 và 38, lượng nước ối khoảng 400-1200 mililit (mL)
Bác sĩ sẽ đo lượng nước ối bằng siêu âm để kiểm tra và tính toán lượng nước ối (AFI) hoặc khoang ối lớn nhất (MPV).
Làm sao để nhận biết rỉ ối?
Không như nước tiểu hoặc dịch tiết âm đạo, nước ối trong, có những mảnh màu trắng có thể có chất nhầy hoặc máu. Nước ối không có mùi và thường sẽ thấm ướt quần lót. Nước ối không giống như nước tiểu, có mùi amoniac hoặc dịch tiết âm đạo, thường có màu trắng hoặc vàng.
Ngoài ra, nếu đó là nước ối, mẹ sẽ thấy nước rỉ ra nhiều hơn khi nằm so với khi đứng, ngồi hoặc đi bộ. Lý do là khi mẹ đứng thẳng, đầu của trẻ chặn cổ tử cung mở và giữ cho nước ối ở lại bên trong.
Một cách khác để xác định xem chất lỏng đó có phải là nước ối hay không là trước tiên là hãy đi tiểu. Sau đó, đặt một băng vệ sinh trong quần lót, kiểm tra chất lỏng trên miếng băng vệ sinh sau 30 phút đến 1 giờ. Nếu chất lỏng có màu vàng, đó có thể là nước tiểu, nhưng nếu không, đó có thể là nước ối.
Rỉ ối ảnh hưởng đến trẻ như thế nào?
Rỉ ối có thể gây nguy hiểm cho thai nhi ở bất cứ giai đoạn nào của thai kỳ. Khi nó xảy ra trong tam cá nguyệt thứ hai, nó có thể gây sảy thai, chậm phát triển, dị tật bẩm sinh, sinh non hoặc thai chết lưu.
Nếu rỉ ối xảy ra trong tam cá nguyệt thứ ba, nó có thể gây tăng nguy cơ dây rốn bị chèn ép, tình trạng này có thể ảnh hưởng đến khả năng hấp thụ oxy của trẻ. Tình huống này có thể bắt buộc phải sinh mổ.
Mẹ cần làm gì nếu rỉ ối
Khi mẹ nhận thấy nước ối rỉ, mẹ hãy đi khám bác sĩ ngay lập tức. Tại bệnh viện, bác sĩ sẽ làm một số xét nghiệm đơn giản để xác nhận nước đang rò rỉ có phải là nước ối hay không, đồng thời đánh giá tình trạng thai kỳ của mẹ.
Khi ối rỉ được xác nhận, mẹ sẽ ở lại bệnh viện cho đến khi sinh bé.Tuy nhiên, bác sĩ sẽ thảo luận với mẹ về tình trạng thai kỳ và đưa ra những phương án phù hợp với tuổi thai.
Ở tuần thứ 37: Nếu thai kỳ của mẹ đã đủ 37 tuần, em bé đã sẵn sàng chào đời. Người chăm sóc sẽ có thể khuyên mẹ nên theo dõi vài giờ nữa để xem liệu mẹ có chuyển dạ tự nhiên hay không. Nếu không có cơn đau chuyển dạ, họ sẽ đề xuất sinh thường hay sinh mổ tùy vào tiền sử của mẹ.
Ở giữa tuần thứ 34 và 37: Các chuyên gia về sản khoa có thể sẽ đề nghị khởi phát chuyển dạ hay giục sinh để tránh nhiễm trùng. Đôi khi họ cũng trì hoãn quá trình chuyển dạ để thai nhi có thể phát triển hơn nữa, nhưng thai nhi sinh ra sớm hơn vài tuần có thể an toàn hơn so với nguy cơ bị nhiễm trùng.
Trước tuần thứ 34: Nếu nước ối bị vỡ trước tuần thứ 34, bác sĩ có thể cố gắng trì hoãn quá trình chuyển dạ của mẹ bằng cách cho mẹ nghỉ ngơi trên giường. Mẹ có thể được dùng thuốc kháng sinh phòng ngừa, steroid để giúp phổi của bé phát triển nhanh và magie sulfate (nếu trước 32 tuần) để giảm nguy cơ ảnh hưởng thần kinh.
Các yếu tố nguy cơ làm tăng rỉ ối
Một số yếu tố nguy cơ có thể làm tăng rỉ ối bao gồm:
- Hút thuốc trong thai kỳ
- Xuất huyết âm đạo dai dẳng trong thai kỳ
- Tiền sử rỉ ối ở lần mang thai trước
- Viêm âm đạo do vi khuẩn (BV)
- Một số bệnh lây truyền qua đường tình dục
- Nhau bong non
- Mang đa thai
Phòng ngừa rỉ ối
Không có cách nào để ngăn ngừa hoàn toàn tình trạng rỉ ối. Tuy nhiên, mẹ có thể giảm rủi ro bằng cách đảm bảo chăm sóc trước sinh đầy đủ, bao gồm khám thai thường xuyên, ăn uống điều độ và tránh uống thức uống có cồn, hút thuốc và sử dụng ma túy bất hợp pháp. Nếu trước đây mẹ đã có tiền sử rỉ ối sớm trong thai kỳ, hãy thông báo với nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe của mẹ để có phương pháp điều trị thích hợp.