Sự phát triển của thai nhi từ góc nhìn của bé
con của mẹ
Khi con lớn dần lên trong bụng mẹ, con nhận được các “tín hiệu” từ thế giới bên ngoài. Những tín hiệu này như những “tấm thiệp” nhỏ cho biết thế giới này nguy hiểm hay an toàn, liệu thức ăn dồi dào hay khan hiếm. Không biết gì khác, con tìm hiểu những thông tin này để phát triển cho phù hợp.
Sau đây là phần giới thiệu ngắn 9 tháng mang thai từ góc nhìn của con.
Tháng 1 (Tam cá nguyệt đầu tiên)
Sau 24 giờ sống sót, tất cả thông tin di truyền cần thiết cho sự phát triển đều được chứa trong một tế bào duy nhất. Ví dụ như màu tóc, màu da hay thậm chí cả các khả năng đặc biệt. Sau khoảng 1 tuần, tế bào di chuyển từ ống dẫn trứng đến tử cung nơi nó trải qua quá trình phân chia lớn. Một nửa số tế bào sẽ trở thành con, một nửa sẽ trở thành nhau thai, nguồn sống của con cho những tháng tới, nơi mang thức ăn, oxy đến và mang đi chất thải. Đến tuần thứ 4, con đã trở thành một cơ thể sống phức tạp đang phát triển với tốc độ 1 triệu tế bào mỗi giây. Giờ đây, tủy sống, tim và não của con đã có thể nhìn thấy được và con có kích thước bằng một hạt anh túc.
Tháng thứ 2 ( Tam cá nguyệt đầu tiên)
Đến tuần thứ 5, tim của con bắt đầu đập. Bây giờ con đã lớn hơn gấp 10.000 lần so với lúc vừa thụ thai. Nếu con tiếp tục phát triển với tốc độ này, con sẽ nặng 1.5 tấn khi sinh. Đây là một điểm quan trọng cho sự phát triển thần kinh vì não của con phát triển với tốc độ 100.000 tế bào mỗi phút. Nếu mẹ uống thức uống có cồn, sử dụng ma túy hay căng thẳng quá mức, chấn thương hay ốm nặng trong thời gian này có thể ảnh hưởng xấu đến sự phát triển não của con. Điều này có thể dẫn đến suy giảm chức năng nhận thức hoặc thậm chí tâm thần phân liệt khoảng 40 năm sau. Vào cuối tuần thứ 8, tất cả các cơ quan nội tạng chính bắt đầu phát triển, khuôn mặt và tứ chi bắt đầu hình thành. Tim của con hiện đang đập 150-170 lần mỗi phút, nhanh gấp đôi nhịp tim của mẹ. Con cũng có những chuyển động vô ý, tự phát và có kích thước bằng một quả mâm xôi.
Tháng thứ 3 (Tam cá nguyệt thứ nhất)
Con bắt đầu phản ứng với các kích thích. Khứu giác đang phát triển. Nếu ai đó hút một điếu thuốc, khói thuốc lá sẽ khiến con co rúm lại. Não của con cũng tiếp tục phát triển nhanh chóng. Do vẫn còn nhiều chỗ trống trong tử cung của mẹ, nó sẽ trở thành “sân chơi giác quan” của con. Con sẽ học cách di chuyển các cánh tay, duỗi các ngón tay ngón chân, cong lưng, mỉm cười, làm mặt ngộ nghĩnh hay mút ngón tay cái. 75% em bé ở “tuổi” của con hiện đang thể hiện thích sử dụng tay phải và bây giờ con có kích thước bằng một quả chanh.
Tháng thứ 4 (Tam cá nguyệt thứ 2)
Đầu của con giờ chiếm một nửa kích thước của cơ thể. Bây giờ đã bắt đầu học cách đá chân, đi tiểu và nuốt thức ăn. Vị giác cũng đang phát triển. Khi mẹ ăn một thứ nào đó, con cũng nhận biết được các vị khác nhau và trở nên ít kén ăn hơn. Nhưng nếu không nhận đủ hoặc kém chất dinh dưỡng, sinh lý của con sẽ tự thích nghi để duy trì sự phát triển. Quá trình này được gọi là lập trình bào thai trước sinh. Tuy nhiên các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra rằng nó có thể dẫn đến các nguy cơ sức khỏe như béo phì, bệnh tim hay đái tháo đường xảy ra trong cuộc sống sau này. Con bây giờ có kích cỡ bằng một quả cà chua.
Tháng thứ 5 (Tam cá nguyệt thứ 2)
Trước đây, giọng nói của bố mẹ có thể nghe lạ và không quen thuộc, thì giờ con thực sự có thể nghe thấy và phân biệt được các âm thanh. Con đang trải qua một giai đoạn phát triển vượt bậc, răng, tóc, móng tay, lông mày và lông mi bắt đầu mọc ra. Con trở nên năng động hơn mỗi ngày và thích vận động các cơ bắp bé nhỏ. Khi con uốn éo, đá và xoay người, mẹ cũng cảm nhận được những cử động này. Điều này được gọi là “thai máy”. Giờ kích thước của con bằng một quả thanh long.
Tháng thứ 6 (Tam cá nguyệt thứ 2)
Đến tuần thứ 26, con sẽ bắt đầu mở mắt lần đầu tiên. Mặc dù nhìn mọi thứ đều mơ hồ, con bắt đầu có phản ứng với ánh sáng. Một số chuyên gia khuyên mẹ nên đến các nơi có nhiều ánh nắng. Trong tháng thứ 6, não của con phát triển đáng kể. Vỏ não được chia thành hai phần riêng biệt. Một nghiên cứu chỉ ra rằng vào thời điểm này, con có thể thể hiện những cảm xúc đơn giản như mấp máy môi để mỉm cười. Các nhà nghiên cứu cũng cho rằng kỹ năng giao tiếp của con phát triển vào thời điểm này; đó là lý do tại sao con có thể bày tỏ cảm xúc khi đói hoặc khó chịu sau sinh. Giờ kích thước của con bằng một bông cải trắng.
Tháng thứ 7 (Tam cá nguyệt thứ 3)
Con bắt đầu hình thành giấc ngủ và thức dậy đều đặn. Giờ các sợi tóc trên đầu đã lộ rõ và các răng sữa đã mọc bên dưới lớp nướu của con. Con có thể nghe rõ hơn và phản ứng bằng tăng nhịp tim và chuyển động nhiều hơn. Các nhà nghiên cứu cho rằng con và các bạn cùng lứa bắt đầu học ngôn ngữ ngay từ tháng này của thai kỳ, con có thể nhận ra giọng nói của cha mẹ và tiếng mẹ đẻ ngay sau khi được sinh ra. Nếu ở thời điểm này mẹ sinh con ra đời sớm thì vẫn có có 90% cơ hội sống sót. Kích thước con to gần bằng một quả dứa.
Tháng thứ 8 (Tam cá nguyệt thứ 3)
Giờ đây con bắt đầu ứng xử như một em bé sơ sinh. Hệ thần kinh và não bộ đã hình thành đầy đủ vào thời điểm này, và hai lá phổi của con cũng vậy. Con bắt đầu tự tập thở bằng cách hít nước ối. Hệ thống miễn dịch cũng bắt đầu phát triển. Con dành 90-95% thời gian để ngủ và có lẽ mơ. Tuy nhiên dù ngủ hay thức con vẫn chuyển động tới 50 lần mỗi giờ. Con khám phá xung quanh bằng tay hoặc di chuyển quanh thành tử cung của mẹ bằng cách đạp chân đẩy ra. Để chuẩn bị cho ngày sinh, hầu hết các bạn cùng lứa và con đều xoay đầu xuống dưới. Giờ đây con có kích thước bằng một quả dưa hấu.
Tháng thứ 9 (Tam cá nguyệt thứ 3)
Trong tháng cuối để rèn luyện kỹ năng vận động, con tiếp tục đẩy và đá. Khi mẹ cười, ăn đồ ngọt hay uống đồ lạnh, con đáp lại bằng cách quẫy đạp lên xuống. Về mặt tâm lý và thể chất, con đã lớn lên bởi tất cả những gì xảy ra từ ngày đầu tiên. Một số khía cạnh của tính tình và và nhân cách của con cũng bắt đầu được hình thành. Ở thời điểm này, con đã đạt kích thước bằng một quả mít.
Đã chứng nhận:
Bao Tri Tran (1 June 2023)