Thức uống có cồn và ma túy ảnh hưởng đến thai nhi như thế nào?
Những điều cần biết
Sử dụng ma túy trong thai kỳ có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển của thai nhi và điều này không chỉ áp dụng cho các loại ma túy bất hợp pháp.
Ma túy, thức uống có cồn và các chất kích thích cũng như các loại thuốc không kê đơn được mua tự do có thể gây ra các tác hại nghiêm trọng đến thai nhi.
Các nghiên cứu nói gì?
Nghiên cứu chuyên sâu đã chỉ ra rằng việc phụ nữ mang thai sử dụng thuốc lá, thức uống có cồn hoặc ma túy – bất hợp pháp hoặc hợp pháp đều có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng sức khỏe của thai nhi đang phát triển trong bụng mẹ.
Việc sử dụng các chất này trong thai kỳ có liên quan đến việc tăng gấp đôi hoặc thậm chí tăng gấp ba lần nguy cơ thai chết lưu. Ngoài thai chết lưu, nhiều trẻ sinh ra có nguy cơ tử vong trong giai đoạn sơ sinh hoặc thậm chí nếu sống sót, chúng cũng mang những khuyết tật về sức khỏe suốt cuộc đời.
Lý do là rất nhiều chất dễ dàng đi qua nhau thai. Khi mẹ uống bất kỳ chất gì trong số đó, nó sẽ truyền từ máu của mẹ sang thai nhi. Gan của thai nhi là một trong những cơ quan nội tạng phát triển cuối cùng và chưa trưởng thành cho đến giai đoạn sau của thai kỳ. Do đó, bé của mẹ không thể xử lý chất độc này và chúng có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển các cơ quan của bé.
Nguy cơ cho thai nhi
Sử dụng một số loại thuốc trong thai kỳ có thể có nhiều ảnh hưởng đến em bé và một số trong số đó bao gồm:
- Dị tật bẩm sinh
- Sinh thiếu cân
- Sinh non
- Vòng đầu nhỏ
- Hội chứng đột tử ở trẻ sơ sinh (SIDS)
- Hội chứng cai ở trẻ sơ sinh (NAS)
Hội chứng cai ở trẻ sơ sinh là tình trạng em bé trải qua các triệu chứng cai ngay sau sinh. Mặc dù các nghiên cứu về tình trạng này đều tập trung vào tác dụng của opioid (thuốc giảm đau theo đơn hoặc heroin), dữ liệu đã chỉ ra rằng việc sử dụng thức uống có cồn, thuốc ngủ và cafein trong thai kỳ cũng có thể khiến trẻ sơ sinh có các triệu chứng cai khi sinh.
Trẻ sơ sinh có thể xuất hiện triệu chứng cai ngay lập tức hoặc tối đa trong vòng 14 ngày sau khi sinh. Một số triệu chứng đó bao gồm:
- Rung cơ
- Khóc quá mức hoặc khóc thét
- Phản xạ bú bất thường
- Tăng phản xạ quá mức
- Tăng trương lực cơ
- Cáu gắt, dễ kích động
- Thở nhanh
- Co giật
- Các vấn đề về giấc ngủ
- Hắt hơi và nghẹt mũi
- Đổ mồ hôi
- Nôn
- Nổi đốm trên da
- Tiêu chảy
Bản chất và mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng cai mà bé biểu hiện phụ thuộc vào chất đã được sử dụng, thời gian và tần suất sử dụng của người mẹ, cách cơ thể mẹ phân hủy thuốc và liệu thai nhi được sinh ra đủ tháng hoặc sinh non hay không.
Ảnh hưởng tiêu cực lâu dài đến bé
Nhiều tác động của việc sử dụng ma túy trong thai kỳ là lâu dài nhưng một tác động phổ biến và thường liên quan đến việc sử dụng thức uống có cồn là Chứng rối loạn thai nhi do ảnh hưởng của rượu (FASD). Một số tác hại lâu dài của nó đối với trẻ em bao gồm:
- Học tập và hành vi
- Khớp, xương, cơ và một số cơ quan nội tạng
- Quản lý cảm xúc và phát triển kỹ năng xã hội
- Tăng động và kiểm soát xung lực
- Giao tiếp, như các vấn đề về ngôn ngữ
- Nguy cơ tăng lên cùng với lượng rượu mà mẹ uống
Làm gì nếu mẹ sử dụng thức uống có cồn hoặc các chất kích thích khác mà không biết mẹ đang mang thai?
Mẹ cố gắng đừng lo lắng vì lo lắng cũng không giúp được gì. Hơn nữa, không phải tất cả những gì mẹ sử dụng trước khi mẹ biết mình mang thai đều làm hại thai nhi.
Thời kỳ mang thai được tính bằng tuần kể từ ngày đầu tiên của kỳ kinh cuối, vào thời điểm mẹ nghi ngờ trễ kinh do mang thai thì thai nhi cũng chỉ mới được một hay hai tuần tuổi. Có rất ít việc mà mẹ có thể làm để tổn thương hoặc giúp ích cho thai kỳ.
Tuy nhiên, hãy thảo luận với bác sĩ và nữ hộ sinh. Họ sẽ giúp mẹ giảm bớt những lo lắng và tư vấn cho mẹ về những rủi ro khi sử dụng ma túy trong thai kỳ.
Rượu và ma túy đối với phụ nữ đang nuôi con bằng sữa mẹ
Phần lớn các chất mẹ sử dụng khi còn đang cho con bú có thể truyền vào sữa mẹ và bao gồm tất cả các thức uống có cồn, thuốc lá, ma túy bất hợp pháp, thuốc không kê đơn, thuốc theo đơn hoặc bất cứ chất gì gây thay đổi tâm trạng. Tuy nhiên, lượng thuốc đi vào sữa tùy từng loại thuốc, liều lượng và nồng độ thuốc trong cơ thể (thường là thấp nhất trước liều tiếp theo) khi mẹ cho con bú.
Sau đây là những điều mẹ đang trong giai đoạn cho con bú nên làm:
- Tránh uống rượu, thuốc lá, các chất kích thích bất hợp pháp và thuốc không kê đơn
- Luôn luôn thông báo với bác sĩ và dược sĩ của mẹ rằng mẹ đang nuôi con bằng sữa mẹ
- Nếu mẹ được kê đơn thuốc, cố gắng cho bé bú ngay trước khi uống thuốc để hạn chế lượng thuốc truyền vào sữa mẹ
Đã chứng nhận:
Bao Tri Tran (1 June 2023)