Tiêu chảy khi mang thai
Chăm sóc mẹ bầu
Một số mẹ bị tiêu chảy khi mang thai, điều này có thể dẫn đến mất nước hoặc suy dinh dưỡng cho mẹ và bé.
Tiêu chảy được định nghĩa là có từ 3 lần đi ngoài phân lỏng trong vòng 24 giờ. Tiêu chảy khi mang thai là một trong những bệnh khó chịu nhất trong thai kỳ.
Tiêu chảy ảnh hưởng đến mẹ và bé như thế nào?
Mẹ có thể mất một lượng nước đáng kể khi bị tiêu chảy, việc này không tốt cho mẹ và thai nhi. Mất nước có thể nghiêm trọng thậm chí gây tử vong, bởi vậy mẹ cần đảm bảo bù nước đủ.
Tiêu chảy kéo dài khi mang thai có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe của thai nhi đến mức trẻ sơ sinh sẽ bé hơn và yếu hơn bình thường.
Nguyên nhân gây tiêu chảy khi mang thai
Có một vài mối liên quan giữa mang thai và tiêu chảy. Khi mẹ biết mình có thai, mẹ có thể đột ngột thay đổi chế độ ăn uống để đảm bảo con hấp thụ các chất dinh dưỡng cần thiết, việc này đôi khi có thể gây đau bụng hoặc tiêu chảy.
Một lý do khác khiến mẹ bị tiêu chảy khi mang thai là do mẹ có thể trở nên nhạy cảm với một số loại thực phẩm. Đây có thể là những thực phẩm mẹ từng ăn trước đó nhưng ăn chúng khi mang thai có thể khiến mẹ bị đau bụng hoặc tiêu chảy.
Một nguyên nhân khác gây tiêu chảy khi mang thai là do sự thay đổi nội tiết hoặc do nhiễm vi khuẩn hoặc virus.
Cách điều trị tiêu chảy
Hầu hết các trường hợp tiêu chảy đều tự khỏi trong vòng vài ngày. Tuy nhiên mẹ nên đảm bảo cơ thể được cung cấp đủ nước, mẹ phải uống nhiều nước, nước trái cây và nước canh để bù nước và thay thế chất điện giải mà cơ thể đã mất. Nước sẽ giúp bổ sung lượng chất lỏng đã mất; nước trái cây sẽ giúp bổ sung lượng kali và nước canh sẽ bổ sung lượng natri.
Nếu bệnh tiêu chảy không tự khỏi, mẹ có thể cần tham khảo ý kiến bác sĩ. Nếu tiêu chảy trong thời kỳ mang thai là do vi khuẩn hoặc ký sinh trùng gây ra, mẹ có thể cần dùng kháng sinh. Nếu virus gây tiêu chảy, sử dụng kháng sinh cũng không giúp ích gì.