11 rủi ro tiềm ẩn của trẻ sinh non
Những điều cần biết
Trẻ sinh non có thể đối mặt với nhiều rủi ro tiềm ẩn.
Đối với cha mẹ, sinh non thường tăng thêm chi phí vì trẻ cần được chăm sóc y tế đặc biệt.
Sinh non
Sinh non hay sinh thiếu tháng là khi trẻ được sinh ra trước tuần thứ 38 của thai kỳ. Trẻ sinh non thường có hệ cơ quan còn non nớt và dễ gặp nhiều rủi ro cũng như các vấn đề về phát triển bao gồm khuyết tật vĩnh viễn và thậm chí tử vong. Trẻ sinh ra càng non thì nguy cơ mắc các vấn đề sức khỏe càng cao.
Trẻ sinh non thường có kích thước nhỏ, đầu to không cân xứng, sinh nhẹ cân, thiếu mỡ dưới da và có thể vẫn còn lông măng bao phủ hầu hết cơ thể.
11 nguy cơ sớm của trẻ sinh non
Trẻ sinh non có thể có thể gặp những nguy cơ sớm thường gặp sau:
- Các vấn đề về hô hấp: Trẻ sinh non có hệ hô hấp kém phát triển. Phổi của chúng không có đủ chất hoạt động bề mặt, một chất giúp phổi không bị xẹp xuống khi thở ra. Vì vậy, trẻ có thể mắc hội chứng suy hô hấp cấp. Một số trẻ sinh non bị ngưng thở.
- Loạn sản phế quản phổi (BDP): Đây là một dạng bệnh phổi mạn tính ảnh hưởng đến trẻ sơ sinh sinh non. Trong khi hầu hết trẻ sơ sinh có thể tự vượt qua tình trạng này, một số khác có thể bị khó thở lâu dài.
- Các vấn đề về tim mạch: Trẻ sinh non thường có nguy cơ mắc còn ống động mạch (PDA), một mạch máu nhỏ thông giữa hai động mạch chính từ tim (đáng ra sẽ mất đi khi trẻ được sinh đủ tháng) và huyết áp thấp (hạ huyết áp).
- Các vấn đề về não: Trẻ sinh non có nguy cơ xuất huyết não thất cao hơn, một tình trạng chảy máu trong não. Mặc dù hầu hết các trường hợp chảy máu như vậy đều nhẹ và ít ảnh hưởng trong thời gian ngắn, nhưng một số trường hợp có thể nghiêm trọng và gây tổn thương não vĩnh viễn.
- Các vấn đề về kiểm soát nhiệt độ: Trẻ sinh non không có đủ lớp mỡ dưới da và có thể không tạo ra đủ năng lượng để bù lượng nhiệt thoát qua da. Vì vậy, chúng bị hạ thân nhiệt nhanh chóng.
- Hạ thân nhiệt: Tình trạng này xảy ra khi thân nhiệt của trẻ sinh non giảm xuống quá thấp dẫn đến nhiệt độ cơ thể thấp bất thường. Hạ thân nhiệt ở trẻ sinh non có thể gây ra các vấn đề về hô hấp và gây hạ đường huyết.
- Các vấn đề về đường tiêu hóa: Hệ tiêu hóa của một số trẻ sinh non vẫn chưa phát triển hoàn thiện. Điều này có thể dẫn đến các biến chứng nguy hiểm như viêm ruột hoại tử (NEC).
- Thiếu máu: Trẻ sinh non có nguy cơ bị thiếu máu vì chúng mất nhiều thời gian hơn để tạo hồng cầu. Tình trạng này có thể do thiếu chất sắt hoặc các chất dinh dưỡng khác trong máu của trẻ, nhiễm trùng hoặc vấn đề với các tế bào tạo máu.
- Vàng da: Vàng ở mắt và da của trẻ là do lượng bilirubin dư thừa, một chất màu vàng có nguồn gốc từ sự phân hủy của các tế bào hồng cầu. Vàng da thường gặp ở trẻ sinh non.
- Các vấn đề về trao đổi chất: Trẻ sinh non có thể gặp các vấn đề về trao đổi chất và có thể bị hạ đường huyết, tình trạng lượng đường trong máu thấp bất thường.
- Các vấn đề về hệ miễn dịch: Hệ thống miễn dịch của trẻ sinh non vẫn chưa hoàn thiện. Điều này khiến trẻ có nguy cơ lây bệnh và nhiễm trùng huyết cao hơn, một tình trạng nhiễm trùng rất nghiêm trọng của máu.
Nguy cơ muộn về sức khỏe của trẻ sinh non
Ngoài những nguy cơ sớm, trẻ sinh non phải đối mặt với nhiều rủi ro sức khỏe lâu dài. Một số trong các rủi ro đó bao gồm:
- Chậm phát triển
- Kết quả học tập ở trường kém
- Bại não
- Giảm khả năng học tập
- Vấn đề về thị lực
- Các vấn đề về thính giác
- Các vấn đề về nha khoa
- Các vấn đề về hành vi và tâm lý
- Các vấn đề về sức khỏe mạn tính
Ảnh hưởng của sinh non đối với mẹ và gia đình
Sinh non có thể cũng ảnh hưởng đến mẹ và gia đình. Những bà mẹ sinh non có thể có cảm giác tiêu cực về con mình trong những tháng đầu sau sinh. Họ có nguy cơ cao mắc trầm cảm và rối loạn lo âu.
Ở cấp độ gia đình, sinh non có thể đồng nghĩa với việc trả thêm chi phí vì trẻ cần được chăm sóc y tế đặc biệt. Một gia đình với mức thu nhập bình thường không thể đáp ứng. Một cách để giảm chi phí có thể xảy ra là kiểm tra cẩn thận các khoản viện phí, ví dụ như chi phí mỗi ngày trong lồng ấp. Các bệnh viện công có chi phí rẻ hơn các bệnh viện tư nhân nhưng việc chuyển viện sau sinh có thể khó khăn. Do đó, mẹ nên nghĩ đến phương án thứ 2 trong trường hợp con sinh non.
Các yếu tố nguy cơ sinh non
Nhìn chung, không có nguyên nhân cụ thể nào gây sinh non, nhưng có rất nhiều yếu tố khiến nhiều mẹ sinh non bao gồm:
- Sảy thai hoặc phá thai nhiều lần
- Tiền sử sinh non trước đó
- Chưa đầy 6 tháng sau lần sinh trước
- Mang thai nhờ thụ tinh trong ống nghiệm
- Mang thai đôi, ba trở lên
- Các vấn đề về tử cung, cổ tử cung hoặc nhau thai
- Hút thuốc lá, uống thức uống có cồn hoặc sử dụng ma túy bất hợp pháp
- Một số bệnh lây nhiễm, đặc biệt là những bệnh ảnh hưởng đến nước ối và cơ quan sinh sản
- Thiếu cân hoặc thừa cân trước khi mang thai
- Các sự kiện căng thẳng trong cuộc sống như người thân mất hoặc bạo lực gia đình
- Một số bệnh mạn tính như huyết áp cao hoặc tiểu đường
- Chấn thương thể chất hoặc tâm lý
Phòng ngừa sinh non như thế nào?
Mặc dù nguyên nhân chính xác của sinh non vẫn chưa rõ ràng, đây là một số điều mẹ có thể thực hiện để giảm nguy cơ sinh non ở những mẹ có nguy cơ cao:
- Bổ sung progesterone: Các bác sĩ có thể kê đơn bổ sung progesterone cho phụ nữ có nguy cơ sinh non.
- Khâu eo tử cung: Khâu eo tử cung là một thủ thuật được thực hiện trong thai kỳ, trong đó bác sĩ sử dụng một mũi khâu chắc chắn để đóng cổ tử cung nhằm hỗ trợ tử cung. Thủ thuật này có thể có lợi cho những phụ nữ có cổ tử cung ngắn hoặc có tiền sử hở eo tử cung dẫn đến sinh non. Vòng nâng cổ tử cung cũng là một lựa chọn thay thế cho khâu cổ tử cung.
Nếu mẹ lo lắng về việc sinh non, hãy thảo luận với bác sĩ hoặc nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe về điều này. Nếu cổ tử cung mẹ bị ngắn, khâu eo tử cung có thể giúp giảm nguy cơ.
Đã chứng nhận:
Bao Tri Tran (1 June 2023)