Đau vùng chậu trong thai kỳ
Chăm sóc mẹ bầu
Một số mẹ bị đau bụng dưới – đau vùng chậu khi mang thai, điều này không phải luôn là dấu hiệu nguy hiểm cho con của mẹ , nhưng nó có thể gây đau dữ dội và khiến mẹ đi lại khó khăn.
Triệu chứng này đôi khi còn được gọi là đau khung chậu (PGP) hoặc đau xương mu (SPD).
Triệu chứng đau vùng chậu
Đau vùng chậu là tập hợp các triệu chứng khó chịu do cứng khớp vùng chậu hoặc các khớp di chuyển không đều cả ở phía sau và phía trước xương chậu.
Mỗi người mẹ sẽ có những triệu chứng khác nhau và mức độ đau của mỗi người mẹ cũng sẽ không đồng đều.
Các triệu chứng có thể gồm:
- Đau xương mu ở phía trước
- Đau dọc thắt lưng một hoặc hai bên
- Đau tầng sinh môn – vùng giữa âm đạo và hậu môn
- Khó dang rộng hai chân
Đối với một số người mẹ cơn đau có thể lan xuống đùi và có thể nghe thấy tiếng lách cách hoặc nghiến ở vùng xương chậu. Cơn đau có thể rõ ràng nhất khi mẹ đi bộ, leo cầu thang hoặc trở mình trên giường.
Những ai có nguy cơ đau vùng chậu trong thai kỳ?
Theo ước tính rằng cứ 5 phụ nữ mang thai thì có 1 người sẽ bị triệu chứng đau vùng chậu ở một mức độ nào đó.
Không ai biết chính xác tại sao triệu chứng đau xương chậu chỉ ảnh hưởng ở một số phụ nữ nhất định, một số chuyên gia cho rằng triệu chứng này có liên quan đến một số vấn đề bao gồm tổn thương vùng xương chậu trước đó, khớp xương chậu di chuyển không đều hoặc do trọng lượng hoặc tư thế của thai nhi.
Khi nào cần điều trị đau vùng chậu khi mang thai?
Được chẩn đoán và điều trị càng sớm càng tốt có thể giúp giảm đau. Việc điều trị thường được thực hiện bằng cách tập vận động đối với khớp đau, giúp khớp này trở lại hoạt động bình thường.
Nếu mẹ nhận thấy đau xung quanh vùng chậu, hãy thảo luận với bác sĩ của mẹ. Những triệu chứng này đôi khi không thể điều trị khỏi hoàn toàn cho đến khi con của mẹ được chào đời nhưng việc điều trị có thể giúp cải thiện các triệu chứng.
Phương pháp điều trị đau vùng chậu trong thai kỳ
Vật lý trị liệu nhằm mục đích giảm đau, cải thiện chức năng cơ và cải thiện vị trí khớp xương chậu. Phương pháp này có thể bao gồm:
- Trị liệu để đảm bảo các khớp xương chậu, khớp háng và cột sống chuyển động bình thường
- Các bài tập tăng cường cơ sàn chậu, bụng, lưng và hông
- Các bài tập dưới nước
- Các dụng cụ như nạng hoặc đai hỗ trợ vùng chậu
- Thuốc giảm đau
Làm thế nào để đối phó với chứng đau xương chậu trong thai kỳ
Chuyên gia vật lý trị liệu có thể khuyên mẹ sử dụng đai hỗ trợ để giúp giảm đau hoặc dùng nạng để đi lại. Một số bác sĩ cũng đưa ra những lời khuyên sau:
- Đi giày đế phẳng, có hỗ trợ
- Hoạt động tích cực nếu có thể
- Giữ hai đầu gối khép lại khi lên và xuống xe hơi
- Ngủ ở tư thế thoải mái như nằm nghiêng với gối kê giữa hai chân
- Thử các cách lật người khác nhau trên giường như chụm hai đầu gối di chuyển bằng mông.
- Đi cầu thang từ từ leo từng bậc hoặc đi ngược lên cầu thang
- Tránh đứng bằng một chân khi mặc quần áo
- Tránh cúi người hoặc vặn người để nhấc hoặc bế em bé một bên hông
- Tránh ngồi bắt chéo chân
- Tránh nâng vật nặng
Chuyển dạ và sinh con với triệu chứng đau vùng chậu
Nhiều phụ nữ bị đau vùng chậu khi mang thai vẫn có thể sinh thường. Lên kế hoạch trước và thảo luận về kế hoạch sinh con với chồng, nữ hộ sinh hoặc bác sĩ.
Đã chứng nhận:
Bao Tri Tran (1 June 2023)