8 giai đoạn phát triển của con của mẹ
Học thuyết nổi tiếng của Erik Erikson giải thích 8 giai đoạn học hỏi và phát triển mà con của mẹ sẽ trải qua. Trong 3 giai đoạn đầu tiên, não bộ của con phát triển mạnh nhất và bố mẹ đóng vai trò quan trọng nhất trong việc hình thành nhân cách của con của mẹ .
Dưới đây là 8 giai đoạn học tập và phát triển theo học thuyết của Erikson:
1. Tin tưởng và Hoài nghi, Giai đoạn 1 – 2 tuổi
Trong giai đoạn này, chúng ta tự hỏi liệu mình có thể tin tưởng vào thế giới không và liệu thế giới này có an toàn không. Chúng ta cũng học được rằng nếu bây giờ có thể tin tưởng ai đó thì cũng có thể tin tưởng những người khác trong tương lai. Ngược lại, nếu cảm thấy sợ hãi, chúng ta sẽ nghi ngờ và mất lòng tin vào mọi người xung quanh. Mẹ là chìa khóa cho sự phát triển của chúng ta trong giai đoạn này.
2. Tự chủ, Xấu hổ và Nghi ngờ, Thời thơ ấu 2 – 4 tuổi
Trong giai đoạn thơ ấu, chúng ta sẽ trải nghiệm bản thân và khám phá cơ thể mình. Chúng ta thắc mắc: “Liệu có ổn không khi là chính mình?”. Nếu được khám phá bản thân, chúng ta sẽ phát triển lòng tự tin. Nếu không, tính cách của chúng ta có thể trở nên nhút nhát, xấu hổ và nghi ngờ bản thân. Lúc này, cả bố và mẹ đều đóng vai trò quan trọng tới sự phát triển của chúng ta.
3. Chủ động và Tội lỗi, Giai đoạn mẫu giáo (4 – 5 tuổi)
Ở tuổi mẫu giáo, chúng ta thường chủ động và cố gắng thử những điều mới, đồng thời học các nguyên tắc cơ bản như cách lăn tròn đồ vật. Chúng ta tự hỏi: “Mình làm như vậy có ổn không?”. Nếu được người lớn khuyến khích, chúng ta có thể hành động theo sở thích của mình. Ngược lại, nếu bị ngăn cản hoặc bố mẹ nói rằng những gì chúng ta làm là ngớ ngẩn, chúng ta có thể cảm thấy tội lỗi. Ở độ tuổi này, chúng ta học hỏi từ tất cả các thành viên trong gia đình.
4. Siêng năng và Tự ti, Giai đoạn tiểu học (5 – 12 tuổi)
Khi lớn lên, chúng ta sẽ khám phá ra sở thích của mình, đồng thời nhận ra sự khác biệt giữa bản thân và bạn bè. Chúng ta muốn chứng tỏ mình có thể làm đúng mọi việc và sẽ thắc mắc liệu bản thân có làm được việc đó hay không. Nếu chúng ta nhận được sự công nhận từ giáo viên hoặc bạn bè, chúng ta sẽ trở nên chăm chỉ hơn. Trong trường hợp nhận được nhiều phản hồi tiêu cực, chúng ta sẽ cảm thấy kém cỏi và mất động lực. Vào thời điểm này, hàng xóm láng giềng và trường học là các yếu tố ảnh hưởng đến chúng ta nhiều nhất.
5. Cái tôi và Bối rối, Giai đoạn vị thành niên (13 – 19 tuổi)
Ở giai đoạn này, chúng ta biết bản thân có vai trò khác nhau trong xã hội. Chúng ta và các bạn là bạn bè của nhau, là học sinh, là trẻ em và là công dân của đất nước. Đây cũng là giai đoạn mà chúng ta có thể phải trải qua khủng hoảng danh tính. Nếu bố mẹ cho phép chúng ta khám phá thế giới bên ngoài, chúng ta có thể xác định được bản sắc của mình. Còn nếu bố mẹ thúc ép chúng ta tuân theo quan điểm của bố mẹ, chúng ta có thể bối rối và cảm thấy lạc lõng. Chìa khóa cho việc học tập của chúng ta ở giai đoạn này là bạn bè và những hình mẫu lý tưởng.
6. Gắn kết và Cô lập, Giai đoạn trưởng thành sớm (20 – 40 tuổi)
Tới giai đoạn này, chúng ta hiểu mình là ai và bắt đầu rời bỏ những mối quan hệ trước đây để hòa nhập tốt hơn với cộng đồng. Chúng ta tự hỏi: “Liệu mình có thể yêu không?”. Nếu có thể gắn bó lâu dài với một người, chúng ta sẽ cảm thấy tự tin và hạnh phúc. Nếu không thể thiết lập các mối quan hệ thân thiết, chúng ta sẽ cảm thấy bị cô lập và cô đơn. Bạn bè và bạn đời là yếu tố trung tâm cho sự phát triển của chúng ta trong độ tuổi này.
7. Kiến tạo giá trị và Đình trệ, Tuổi trung niên (40 – 65 tuổi)
Khi đến tuổi 40, chúng ta cảm thấy thoải mái hơn và sẽ sử dụng thời gian rảnh rỗi một cách sáng tạo hoặc có thể đóng góp cho xã hội. Mối quan tâm của chúng ta lúc này là tạo ra giá trị cho cuộc đời. Nếu chúng ta nghĩ bản thân có thể dẫn dắt thế hệ tiếp theo, chúng ta sẽ cảm thấy hạnh phúc. Trong trường hợp chúng ta không giải quyết được một số xung đột trong các giai đoạn trước, chúng ta có thể trở nên bi quan và trì trệ. Gia đình và đồng nghiệp là những người ảnh hưởng đến chúng ta nhiều nhất ở giai đoạn này.
8. Trọn vẹn và Thất vọng, Tuổi cao niên (65 tuổi trở lên)
Khi về già, chúng ta có xu hướng sống chậm lại và bắt đầu nhìn lại cuộc đời của mình. Chúng ta tự hỏi: “Những gì mình làm liệu có tốt không?”. Nếu chúng ta nghĩ mình làm tốt, chúng ta sẽ phát triển cảm giác hài lòng và cảm thấy trọn vẹn. Trong trường hợp ngược lại, chúng ta có thể cảm thấy tuyệt vọng, bất mãn và đắng cay. Đây là giai đoạn chúng ta thường so sánh bản thân với mọi người xung quanh.
Giới thiệu về Erik Erikson
Erik Erikson – nhà tâm lý học người Mỹ gốc Đức, cùng với vợ là Joan, được biết đến với công trình nghiên cứu về sự phát triển tâm lý xã hội. Ông chịu ảnh hưởng của Sigmund và Anna Freud, sau đó trở nên nổi tiếng với thuật ngữ “khủng hoảng danh tính”. Mặc dù không có bằng cử nhân, Erikson đã từng là giáo sư tại đại học Harvard và Yale.
Đã chứng nhận:
Trang Do Hanh (1 June 2023)