Tải ứng dụng

8 lầm tưởng về luyện ngủ một mình cho con

8 lầm tưởng về luyện ngủ một mình cho con

Luyện ngủ cho con được quảng cáo là có tác dụng cải thiện giấc ngủ cho bố mẹ và bé. Trên thực tế, phương pháp này có thể chắc chắn giúp bố mẹ ngon giấc ban đêm nhưng lợi ích với con vẫn chưa rõ ràng. 

Tất cả các phong cách nuôi dạy con từ xưa đến nay đều cho rằng con cần bố mẹ ở bên, đặc biệt vào ban đêm. Vì vậy, trước khi quyết định cho con luyện ngủ một mình, bố mẹ nên hiểu rõ những lầm tưởng phía sau phương pháp này cũng như biết khi nào nên luyện ngủ cho con. 

Lầm tưởng 1: Ngủ riêng không gây hại cho con
Những bố mẹ ủng hộ phương pháp luyện ngủ cho rằng khi ngủ riêng, con sẽ an toàn miễn là xung quanh không có nguy hiểm tiềm ẩn.

Hiện nay, chưa có nhiều nghiên cứu đánh giá ảnh hưởng của việc thiếu vắng bố mẹ trên trẻ nhỏ. Tuy nhiên, các nghiên cứu trên động vật đã chứng minh rằng khi thú con bị cô lập khỏi mẹ, chúng bị rối loạn hô hấp, nhịp tim và hóc-môn. Ngoài ra, có bằng chứng cho thấy những bé bị cô lập khỏi bố mẹ có nguy cơ cao mắc chứng trầm cảm. Trong khi đó, luyện ngủ có thể khiến con cảm thấy bị tách rời khỏi bố mẹ. Các dấu hiệu của trầm cảm ở trẻ nhỏ bao gồm ngủ không sâu giấc, chán ăn, thờ ơ, ít thể hiện cảm xúc. 

Lầm tưởng 2: Để mặc con khóc không gây hại cho con
Căng thẳng kéo dài có thể gây hại cho các cơ quan và mô trong cơ thể. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng bị tách rời khỏi bố mẹ là tình huống cực kỳ căng thẳng với con. Vì vậy, nếu bố mẹ để mặc con khóc mà không có bất kỳ hồi đáp nào, cơ thể con không chỉ rơi vào trạng thái căng thẳng tột độ mà còn ảnh hưởng đến thể chất và tinh thần.

Sau khi khóc một lúc, con có thể tự nín và ngủ thiếp đi. Theo thời gian, con cũng quen dần với việc này và ít biểu lộ cảm xúc căng thẳng hơn. Tuy nhiên, đây không phải dấu hiệu cho thấy con đang hình thành thói quen tốt. Bằng chứng là cơ thể bé vẫn tiết ra một lượng lớn cortisol, hóc-môn phụ trách chống lại căng thẳng. Điều này có nghĩa là con vẫn luôn cảm thấy bất an dù bố mẹ đã luyện ngủ cho con nhiều ngày.

Lầm tưởng 3: Con cần học cách tự lập
Ở độ tuổi sơ sinh, não bộ của bé chưa phát triển hoàn thiện và con chưa hiểu được tính trường tồn của đồ vật. Tức là khi không nhìn thấy thì con nghĩ rằng người hoặc đồ vật đó không tồn tại nữa. Vì vậy, khi phải ngủ một mình, con sẽ nghĩ là bố mẹ bỏ rơi con mà không nhận thức được rằng bố mẹ chỉ đang ở phòng bên cạnh.

Như vậy, luyện ngủ một mình có thể tác động tiêu cực đến sức khỏe của con.

Lầm tưởng 4: Con không cần bố mẹ chăm sóc vào ban đêm
Quan niệm này hoàn toàn sai lầm. Con cần bố mẹ hỗ trợ để học cách điều chỉnh chu kỳ ngủ – thức và một số chức năng khác của cơ thể. Để con một mình có thể làm rối loạn quá trình phát triển của con.

Khi thiếu vắng sự chăm sóc của bố mẹ, các hoạt động tự điều hòa trong cơ thể của con không thể phát triển đúng cách, từ đó ảnh hưởng đến sức khỏe và hành vi của con sau này.

Lầm tưởng 5: Nín khóc là dấu hiệu cho thấy con đã ổn
Khi thấy con không còn quấy khóc vào ban đêm, nhiều bố mẹ nghĩ rằng con đã học được cách tự vỗ về bản thân. Tuy nhiên, hiện tượng này không phải dấu hiệu chứng tỏ con đã ổn. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng con sẽ học được cách ngừng phát tín hiệu biểu lộ nhu cầu khi không nhận được sự hồi đáp từ bố mẹ. Nói cách khác, con đang dần quen với việc dễ dàng bỏ cuộc khi gặp khó khăn.

Do đó, luyện ngủ bằng cách phớt lờ tiếng khóc của con sẽ ảnh hưởng tới sức khỏe tinh thần và động lực của con trong tương lai.

Tương tự như việc bị cô lập, khóc dai dẳng cũng tạo ra căng thẳng độc hại cho bé và cản trở sự phát triển não bộ của con.

Lầm tưởng 6: Trẻ cần ngủ một giấc dài xuyên đêm
Quan niệm này không đúng. Ngay cả người trưởng thành cũng không ngủ xuyên đêm.

Nhu cầu ngủ của bé thay đổi theo độ tuổi và càng lớn con càng ngủ ít hơn. Trẻ sơ sinh cần ngủ 8 – 9 tiếng vào ban ngày và khoảng 8 tiếng vào ban đêm. Tuy nhiên, mỗi giấc ngủ của con thường ngắn, kéo dài không quá 1 – 2 tiếng.

Mỗi lần thức dậy trong đêm, con cần được bố mẹ dỗ dành để tiếp tục giấc ngủ. Vì vậy, việc luyện ngủ một mình có thể ảnh hưởng đến sự tăng trưởng và phát triển của con

Lầm tưởng 7: Luyện ngủ giúp con ngủ sâu giấc hơn
Không đúng. Trước đây, để đánh giá chất lượng giấc ngủ của bé, các nghiên cứu được tiến hành đơn giản bằng cách phỏng vấn bố mẹ. Kết quả là những bố mẹ cho con ngủ riêng thường trả lời rằng con không thức giấc giữa đêm. Ngược lại, những bố mẹ ngủ chung với con báo cáo rằng con họ thức giấc nhiều lần trong đêm. 

Ngày nay, với sự phát triển của công nghệ, các nghiên cứu đã theo dõi giấc của con thông qua camera. Kết quả cho thấy các bé từ 1 – 4 tuổi, dù được luyện ngủ hoặc không, đều thức giấc khoảng 6 – 10 lần mỗi đêm. Sau khi thức giấc, các bé có thể tự quay lại giấc ngủ mà bố mẹ không hề hay biết.

Lầm tưởng 8: Các nghiên cứu về luyện ngủ có thể giúp bố mẹ hiểu được tác động lâu dài của phương pháp này tới sức khỏe của con
Rất khó để tiến hành một nghiên cứu toàn diện nhằm chứng minh tác động lâu dài của luyện ngủ tới sự phát triển và sức khỏe của bé. Hầu hết các nghiên cứu hiện tại chỉ kiểm tra xem liệu có biện pháp nào giúp con ngừng quấy khóc và cải thiện giấc ngủ cho bố mẹ không. 

Những nghiên cứu này thường chỉ theo dõi nhóm trẻ được luyện ngủ mà không có nhóm chứng để so sánh. Trong trường hợp có nhóm chứng, tính tin cậy của kết quả nghiên cứu cũng không cao. Vì vậy, rất khó để đánh giá chắc chắn tác động lâu dài của luyện ngủ đến sức khỏe của bé.

Khi nào bố mẹ nên luyện ngủ cho con?
Nếu bố mẹ cảm thấy kiệt sức vì phải chăm sóc con vào ban ngày và không thể nghỉ ngơi đầy đủ vào ban đêm, luyện ngủ cho con có thể là lựa chọn phù hợp. Lúc này, bố mẹ cần tiếp cận đúng cách và luyện tập dần dần để con làm quen và thích nghi.

Còn nếu bố mẹ nghĩ rằng rằng luyện ngủ tốt cho con, hãy cân nhắc kỹ và tin vào nhu cầu bản năng của cả con và bố mẹ.

Đã chứng nhận:

Trang Do Hanh (1 June 2023)

Nguồn:

Tải ứng dụngỨng dụng theo dõi thai kỳ hàng ngày & Nuôi dạy con

Ứng dụng theo dõi thai kỳ hàng ngày & Nuôi dạy con

Xếp hạng 4.9 sao từ hơn 10.000 bài đánh giá

Xếp hạng 4.9 sao từ hơn 10.000 bài đánh giá