Giai đoạn phát triển trí não đầu đời của bé
Sau sinh, trung bình kích thước bộ não của con chỉ bằng ¼ so với người lớn. Đến khi con của mẹ được 1 tuổi, não bộ của con tăng gấp đôi kích thước. Và đến năm 3 tuổi, bộ não của con của mẹ đã đạt 80% kích thước so với người lớn.
Não bộ của bé phát triển như thế nào?
Ngay sau sinh, bộ não của trẻ sơ sinh đã chứa tất cả các tế bào thần kinh mà con có trong suốt cuộc đời. Theo thời gian, những tế bào này sẽ tiếp tục phát triển và kết nối với nhau. Chính những liên kết này là cơ sở giúp não bộ phát triển và đảm nhận chức năng – điều phối mọi hoạt động trong cơ thể. Gần một triệu kết nối thần kinh mới được hình thành mỗi giây trong giai đoạn này.
Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng những trải nghiệm hàng ngày của con góp phần tạo ra các kết nối thần kinh cần thiết và quyết định sự phát triển của não bộ. Những trải nghiệm tích cực từ sự tương tác với bố mẹ, anh chị em và mọi người xung quanh có thể thúc đẩy não bộ của bé phát triển. Trong khi đó, những trải nghiệm tiêu cực có thể ngăn cản hình thành các kết nối thần kinh cần thiết.
Các yếu tố ảnh hưởng đến sự phát triển não bộ của con
Nhiều yếu tố có thể ảnh hưởng đến sự phát triển não bộ của con, trong đó có gen di truyền từ bố mẹ. Mặc dù gen là yếu tố không thể thay đổi nhưng bố mẹ có thể hỗ trợ não bộ của con phát triển thông qua các yếu tố sau:
- Dinh dưỡng tốt
- Môi trường lành mạnh
- Trải nghiệm của bé
Vai trò của dinh dưỡng tốt
Dinh dưỡng hợp lý đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển trí não của bé ngay từ trong bụng mẹ và sau khi chào đời. Từ tuần đầu tiên khi thụ thai, trí não của bé cần nhiều dưỡng chất để phát triển tối ưu, bao gồm axit folic, axit béo omega-3, chẳng hạn như axit docosahexaenoic (DHA) và axit eicosapentaenoic (EPA).
Con nhận được chất dinh dưỡng từ máu của mẹ trong thai kỳ và qua sữa mẹ sau khi chào đời. Sau khi cai sữa, hãy duy trì chế độ dinh dưỡng đầy đủ cho bé.
Vai trò của môi trường
Con cần môi trường lành mạnh để tăng trưởng và phát triển tối ưu. Môi trường lành mạnh là khi bé không tiếp xúc với các chất độc hại và nhiễm trùng vì cả hai tác nhân này đều có thể khiến bé bị ốm và làm chậm quá trình phát triển trí não.
Ví dụ, tình trạng sốt rét hoặc sốt xuất huyết có thể gây tổn thương nghiêm trọng cho các bé dưới 5 tuổi. Nếu ở trong vùng dịch sốt rét, bố mẹ cần mắc màn để phòng tránh muỗi đốt. Tin vui là các bệnh nhiễm trùng phổ biến khác ở trẻ nhỏ đều có thể ngăn ngừa bằng vắc-xin. Vì vậy, bố mẹ hãy cho con của mẹ tiêm chủng đầy đủ.
Bên cạnh đó, nhiễm độc chì có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển trí não của con. Đây là vấn đề đáng lo ngại bởi chì là thành phần được phép sử dụng trong sơn tường ở một số quốc gia. Nếu bố mẹ nghi ngờ sơn nhà có chứa chì, hãy sơn lại bằng loại sơn không chứa chì để bảo vệ con khỏi nguy cơ tổn thương não.
Vai trò của trải nghiệm thực tế trong những năm đầu đời
Bộ não của bé giống như tờ giấy trắng, người lớn có thể viết một bài thơ hay hoặc một câu chuyện kinh dị lên đó. Trải nghiệm mà con có được qua thông qua tương tác với bố mẹ, các thành viên trong gia đình, người trông trẻ, cô giáo, hoặc những người chăm sóc không chỉ tác động đến quá trình phát triển trí não của bé mà còn ảnh hưởng đến tính cách của con sau này.
Trong giai đoạn phát triển trí não quan trọng này, nếu nhận được tình yêu thương, sự an toàn và bao bọc, con sẽ lớn lên khỏe mạnh về thể chất và tinh thần, từ đó tạo tiền đề cho cuộc sống khỏe mạnh và thành công trong tương lai. Ngược lại, nếu phải trải qua sợ hãi, lo lắng và bất an, con có thể mắc phải các vấn đề tâm lý như rụt rè, mặc cảm, tự ti, thiếu gắn kết với người khác và nhận thức tiêu cực về bản thân.
Hỗ trợ sự phát triển trí não của con
Bên cạnh duy trì chế độ dinh dưỡng phù hợp và môi trường lành mạnh cho con của mẹ , dưới đây là một số cách để bố mẹ hỗ trợ trí não của con phát triển:
- Chăm sóc phù hợp: Ngay sau khi chào đời, bé luôn tìm cách tương tác với mọi người xung quanh. Trong giai đoạn đầu, con tương tác bằng cách mỉm cười, nói bập bẹ hoặc khóc, sau đó truyền đạt nhu cầu của mình thông qua ngôn ngữ khi con biết nói. Vì vậy, bố mẹ cần chú ý đến bé, cố gắng hiểu điều con đang muốn truyền đạt và đáp ứng nhu cầu đó. Ngoài ra, bố mẹ cũng nên thường xuyên trò chuyện với con. Những tương tác đơn giản sẽ giúp não bộ hình thành các kết nối phức tạp và phát triển nhanh hơn.
- Tạo ra những thử thách cho bé: Hãy giao cho con nhiệm vụ hoặc thử thách để kích thích não bộ của con tư duy và tìm ra giải pháp. Tùy theo độ tuổi, bố mẹ có thể giao các nhiệm vụ khác nhau như chơi ú òa, trốn tìm, xếp hình, rút gỗ hoặc giải các câu đố toán học. Nếu con gặp khó khăn trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, bố mẹ đừng vội gợi ý hay can thiệp. Tốt nhất nên để con của mẹ thực hiện một mình tất cả những công việc nào mà con có thể làm.
- Hạn chế sử dụng các thiết bị điện tử: Trong 5 năm đầu đời, con không thu nhận được nhiều kiến thức và kỹ năng thông qua các thiết bị điện tử như trò chơi trên điện thoại di động hoặc video, ngay cả khi những nội dung này mang tính giáo dục. Thay vào đó, con cần tương tác xã hội và trải nghiệm thực tế để kích thích não bộ phát triển. Mặc dù các thiết bị công nghệ rất cuốn hút đối với bé, nhưng chúng không thể tạo ra những kí ức lâu dài và liên kết thần kinh trong não bộ của con.