Hồi phục cơ thể sau sinh
Chúc mừng mẹ! con của mẹ đã chào đời sau chín tháng mười ngày kiên nhẫn đợi chờ, nhưng hành trình này vẫn chưa kết thúc.
Dù sinh thường hay sinh mổ, cơ thể mẹ cũng đã trải qua nhiều căng thẳng và cần thời gian để hồi phục.
Cần bao lâu để cơ thể phục hồi sau sinh?
Thông thường, sáu tuần sau sinh là khoảng thời gian để các cơ quan, bộ phận trở lại trạng thái giống như trước khi mang thai. Tuy nhiên, cơ thể mẹ có thể hồi phục sớm hoặc muộn hơn mốc thời gian này. Trong đó, mẹ sinh thường hồi phục nhanh mẹ sinh mổ.
Điều gì sẽ xảy ra trong giai đoạn hậu sản?
Dưới đây là những thay đổi sinh lý có thể xảy ra ở giai đoạn hậu sản:
Âm đạo ra máu và dịch (Sản dịch): Trong vòng 10 ngày đầu sau sinh, mẹ có thể ra máu nhiều hơn so với kinh nguyệt thông thường. Lúc này, sản dịch thường có cục máu đông nhỏ. Sau đó, sản dịch sẽ nhạt màu dần, rồi chuyển thành trắng đục hoặc vàng nhạt và hết sau vài tuần.
Đau tầng sinh môn: Vùng giữa âm đạo và hậu môn có thể bị đau trong vài tuần đầu sau sinh, ngay cả khi tầng sinh môn của mẹ không bị rạch hoặc rách khi chuyển dạ.
Đau núm vú và bầu vú: Những ngày đầu sau sinh, em bé chưa thành thạo cách bú mẹ. Vì thế, bầu vú và núm vú của mẹ có thể bị căng sữa, gây ra cảm giác đau tức.
Đau do co hồi tử cung: Sau sinh, mẹ sẽ cảm thấy những cơn đau thắt ở vùng bụng dưới do tử cung co hồi. Cơn đau sẽ mạnh hơn khi mẹ cho con bú.
Táo bón: Mẹ có thể bị táo bón trong vài ngày đầu sau sinh. Nguyên nhân là do đau tầng sinh môn, vết khâu hoặc do tác dụng phụ của thuốc giảm đau trong quá trình chuyển dạ.
Bệnh trĩ: Đây là tình trạng các mạch máu vùng trực tràng của mẹ bị sưng phồng, gây đau và chảy máu khi đại tiện. Mẹ có thể gặp vấn đề này trong thai kỳ và chuyển dạ.
Tiểu không tự chủ: Nếu giai đoạn chuyển dạ của mẹ kéo dài, hoạt động của bàng quang có thể bị rối loạn, dẫn đến hiện tượng són tiểu khi ho, hắt hơi hoặc căng thẳng.
Vết khâu: Mẹ có vết khâu tầng sinh môn nếu tầng sinh môn của mẹ bị rách trong quá trình chuyển dạ hoặc bác sĩ chủ động rạch tầng sinh môn để giúp em bé chào đời dễ dàng hơn. Những vết khâu này sẽ tự tiêu sau vài tuần.
Phù: Trong thai kỳ, cơ thể mẹ giữ nhiều nước, dẫn đến phù. Tình trạng này có thể tiếp diễn trong giai đoạn hậu sản do sự ảnh hưởng của hóc-môn progesterone.
Thay đổi nội tiết tố: Sau sinh, nội tiết tố của mẹ biến đổi nhanh chóng và cần thời gian để lập lại cân bằng. Do đó, mẹ có thể gặp một số vấn đề do mất cân bằng nội tiết như: đổ nhiều mồ hôi, cảm xúc thất thường, rụng tóc.
Cảm xúc thất thường: Tâm trạng của mẹ có thể thay đổi thất thường, đang vui vẻ bỗng dưng rầu rĩ. Đây chính là hội chứng “baby blues”, do biến đổi hóc-môn và có thể kéo dài 1 – 2 tuần. Tuy nhiên, nếu mẹ không cảm thấy khá hơn sau vài tuần, mà còn ảnh hưởng đến khả năng chăm sóc con của mẹ , rất có thể mẹ đang mắc chứng trầm cảm sau sinh. Đây là rối loạn nghiêm trọng và mẹ cần đi khám càng sớm càng tốt.
Bí quyết giúp mẹ phục hồi nhanh chóng sau sinh
Những mẹo dưới đây sẽ giúp mẹ phục hồi cơ thể nhanh hơn trong giai đoạn hậu sản.
- Dành nhiều thời gian để nghỉ ngơi và tranh thủ ngủ khi con ngủ.
- Duy trì chế độ dinh dưỡng đầy đủ và đa dạng.
- Trong tuần đầu tiên, mẹ nên sử dụng nước ấm và vòi xịt để rửa nhẹ nhàng tầng sinh môn sau mỗi lần đi vệ sinh.
- Chườm lạnh tầng sinh môn bằng cách ngồi trên túi đá vài lần trong ngày sẽ giúp giảm đau.
- Sau khi tầng sinh môn lành lại, mẹ có thể tập thể dục nhẹ nhàng hoặc luyện các bài tập Kegel.
- Nếu sinh mổ, mẹ nên chăm sóc vết mổ theo đúng hướng dẫn của bác sĩ.
- Nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ.
- Tái khám theo lịch hẹn của bác sĩ.
- Mẹ nên trao đổi với bác sĩ về các biện pháp tránh thai. Hãy nhớ rằng mẹ vẫn có thể mang thai dù chu kỳ kinh nguyệt chưa quay lại.
Khi nào cần đi khám?
Mẹ nên đi khám khi có một trong các dấu hiệu nguy hiểm sau:
- Sốt từ 38℃ trở lên
- Đau bụng dữ dội
- Sản dịch có nhiều cục máu đông kích thước lớn hoặc băng vệ sinh thấm ướt trong vòng dưới 1 giờ.
- Sản dịch có mùi hôi
- Mẹ có ý nghĩ tự tử hoặc làm hại em bé. Đây chính là biểu hiện của trầm cảm sau sinh.
- Mẹ có các biểu hiện bất thường khác khiến bản thân và gia đình lo lắng.
Đã chứng nhận:
Trang Do Hanh (1 June 2023)