Hướng dẫn sử dụng hình phạt time-out hiệu quả
Một số bố mẹ thường sử dụng hình phạt time-out khi con cư xử không đúng. Mục đích là để ngăn chặn con thực hiện những hành vi không mong muốn bằng cách yêu cầu con đứng yên trong 1 – 2 phút mà không có bất kỳ tương tác xã hội nào. Nếu sử dụng đúng cách, hình phạt time-out có thể hạn chế những hành vi không đúng mực của con.
Tuy nhiên, vì hình phạt time-out không khuyến khích con thực hiện hành vi tốt, những bố mẹ lựa chọn nuôi dạy con theo phương pháp toàn diện thường không tin vào hiệu quả của hình phạt này.
Tại sao hình phạt time-out hiệu quả?
Nhiều thập kỷ nghiên cứu đã chỉ ra rằng sự chú ý của bố mẹ dù với mục đích tốt vẫn có thể củng cố hành vi không đúng mực của con. Vì vậy, nguyên tắc của hình phạt time-out là tạo ra khoảng thời gian mà bố mẹ tạm ngừng chú ý đến con dưới tất cả các hình thức như yêu cầu, giải thích, đe dọa, khen thưởng… Bằng cách để con một mình trong một thời gian ngắn, bố mẹ đã từ chối mong muốn được chú ý mà con thể hiện thông qua những hành vi không tốt.
Những hạn chế của hình phạt time-out
Hình phạt time-out có thể ngăn chặn hành vi không tốt của con tại thời điểm đó, nhưng không thể cản bé thực hiện trong tương lai. Nguyên nhân là bởi hình phạt này không dạy bé về hành vi mà bố mẹ mong muốn. Do đó, hình phạt time-out chỉ có thể hạn chế hành vi không tốt của con, nhưng không có tác dụng khuyến khích con thực hiện hành vi đúng mực. Tuy nhiên, tin vui là có cách để hình phạt này trở nên hiệu quả hơn.
Làm thế nào để hình phạt time-out hiệu quả hơn?
Để phương pháp này thực sự hiệu quả, bố mẹ hãy áp dụng những mẹo sau đây:
- Sử dụng hợp lý: Hình phạt time-out không nên là phương pháp duy nhất trong kế hoạch kỷ luật của bố mẹ. Do đó, bố mẹ đừng lạm dụng hình phạt này. Trên thực tế, không nên sử dụng hình phạt time-out quá 2 lần/ ngày cho cùng một hành vi không đúng của con.
- Đưa ra các quy tắc rõ ràng: Trước hết, bố mẹ hãy nói rõ với con rằng con sẽ bị phạt time-out nếu cư xử như thế nào. Sau đó, bố mẹ cần áp dụng nhất quán phương pháp này bất cứ khi nào bé có hành vi như vậy. Đừng răn đe suông mà không thực hiện hình phạt vì như vậy hình phạt sẽ mất tác dụng.
- Bắt đầu ngay lập tức: Bố mẹ cần áp dụng hình phạt time-out ngay sau khi bé có hành vi không đúng. Trì hoãn thực hiện có thể giảm bớt hiệu quả của hình phạt.
- Cô lập bé: Mục đích của hình phạt time-out là tách rời con khỏi tất cả sự chú ý của mọi người xung quanh. Vì vậy, hãy cho con ngồi tại nơi không thể tương tác với bất kỳ ai. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng bất kỳ hình thức chú ý nào – dù tích cực hay tiêu cực cũng có thể khuyến khích con lặp lại hành vi không đúng trong tương lai.
- Thực hiện một cách bình tĩnh: Bố mẹ không nên la mắng con khi con có hành vi không đúng. Hãy bình tĩnh và cư xử thân thiện với con, không nên tức giận hoặc có hành động thô bạo. Bố mẹ cần nhớ rằng hình phạt time-out không xuất phát từ sự tức giận của bố mẹ và cũng không phải là hành động “trả thù”. Hình phạt này là kết quả của hành vi không đúng mà bố mẹ đã nói rõ với con từ trước.
- Chỉ nên áp dụng trong thời gian ngắn: Nhiều nghiên cứu đã chứng minh tác động tích cực của hình phạt time-out đối với hành vi của bé khi được thực hiện trong 1 – 2 phút. Kéo dài hình phạt này không mang lại bất kỳ lợi ích bổ sung nào. Vì vậy, tốt nhất nên áp dụng hình phạt time-out trong 60 giây.
- Khen ngợi bé sau khi hình phạt kết thúc: Khi bé thực hiện xong hình phạt time-out mà không gây phiền toái, bố mẹ hãy khen ngợi con. Ví dụ: “Vừa rồi con đã ngồi một mình rất ngoan. Tốt lắm!”. Bố mẹ cũng có thể vỗ vai hoặc đập tay high five với con sau khi khen ngợi. Nhiều bố mẹ cảm thấy kỳ lạ khi vừa khen ngợi vừa kỷ luật bé, nhưng hãy nhớ rằng con thường lặp lại những hành động được bố mẹ khen ngợi. Vì vậy, khen ngợi con hoàn thành hình phạt time-out sẽ giúp con tuân thủ hình phạt này khi cần thiết.
Áp dụng hình phạt time-out với trẻ nhỏ
Trẻ nhỏ, đặc biệt là các bé dưới 3 tuổi chưa thể ý thức được hành động của mình. Do đó, mục đích của hình phạt time-out không phải để bé suy ngẫm lại hành vi của bản thân mà là chuyển con tới không gian yên tĩnh một mình, nhằm giúp bé hết khó chịu, kích động và bình tĩnh trở lại.
Đôi khi bố mẹ nên bỏ qua hành vi không đúng của con
Nếu con có hành vi vượt quá giới hạn nhưng không gây hại cho ai, bố mẹ có thể bỏ qua hành vi đó và hướng sự chú ý của bé sang thứ khác. Ví dụ, khi con quấy khóc vì bố mẹ không cho ăn kẹo, bố mẹ có thể ghi nhận cảm xúc khó chịu của con, rồi xoa dịu con và dắt bé ra ngoài đi dạo.