Mô hình hóa hành vi
Tất cả các bé đều cố gắng sao chép các hành động của bố mẹ. Con thường học hỏi thông qua quan sát và bắt chước những gì người lớn làm. Đôi khi, hình mẫu mà bé sao chép không nhất thiết phải là thành viên trong gia đình mà có thể là bạn bè, thầy cô hoặc thậm chí là nhân vật trong phim.
Mô hình hóa hành vi là gì?
Mô hình hóa hành vi là quá trình học tập tự nhiên, trong đó con quan sát hành vi của bố mẹ rồi bắt chước theo. Quá trình này được gọi là học tập quan sát hay học tập xã hội. Hình thức học tập này không cần hướng dẫn trực tiếp và bố mẹ hầu như không biết rằng con đang học hỏi từ mình.
Có 4 bước trong quá trình mô hình hóa hành vi:
- Chú ý: Con quan sát hành động của bố mẹ.
- Duy trì: Con hiểu và ghi nhớ hành động của bố mẹ.
- Tái tạo: Con cố gắng tái hiện những điều con nhớ được.
- Động lực: Con càng ngưỡng mộ hình mẫu thì động lực để con bắt chước hành vi của họ càng mạnh. Điều này giải thích vì sao các bé thích bắt chước anh chị lớn đã biết đi, còn trẻ trong độ tuổi đi học thường bắt chước các ngôi sao nhạc pop tuổi teen.
Con thường học theo những hành vi nào?
Con có xu hướng bắt chước một hành vi khi hành vi đó được người khác khuyến khích hoặc tán thưởng. Ví dụ, nếu con nhìn thấy bạn bè nhảy xuống cầu thang và được khen ngợi, con sẽ bắt chước hành động này. Nhưng nếu người bạn kia bị người lớn la mắng hoặc phớt lờ, khả năng con bắt chước hành động đó sẽ giảm đi.
Bé chủ yếu học hỏi từ bố mẹ và các bạn xung quanh. Ngoài ra, con có thể học thông qua các video trên YouTube và các nhân vật trong phim. Do đó, bố mẹ nên để ý đến những nội dung mà con xem. Lưu ý rằng những hành vi hung hăng và không tốt trên tivi thường được củng cố, vì vậy con có thể bắt chước những hành vi này.
Sử dụng hình mẫu để dạy con các hành vi tích cực
- Hãy là tấm gương tốt cho con noi theo: Bố mẹ là hình mẫu đầu tiên và quan trọng nhất của con. Con quan sát và học hỏi từ bố mẹ mỗi ngày, ngay cả khi bố mẹ không nhận thức được điều đó. Vì vậy, bố mẹ hãy thực hiện đúng những điều mà bố mẹ dạy bảo con. Hãy dùng hành động để thể hiện tình yêu đối với con, nêu gương về lòng trắc ẩn và giúp đỡ người khác, đồng thời dạy con biết cách tương tác tích cực với mọi người và thế giới xung quanh. Ví dụ: nếu bố mẹ muốn con nói nhỏ, hãy giảm bớt âm lượng của mình; nếu bố mẹ muốn con ăn rau, hãy tích cực tiêu thụ thực phẩm này.
- Ghi nhận những hành vi tích cực: Bố mẹ nên khuyến khích và ghi nhận những hành vi tích cực của con. Hãy chú ý đến những hành động tốt của con và những người xung quanh và rồi khuyến khích, khen ngợi những hành vi tích cực đó. Nói cách khác, hãy trò chuyện về những điều tốt đẹp mà bố mẹ thấy mọi người đang làm.
- Quan tâm đến môi trường xung quanh con: Hãy đảm bảo con được sống trong một môi trường lành mạnh nhằm thúc đẩy các hành vi tích cực, đồng thời hạn chế tiếp xúc với những người và hoạt động tiêu cực. Nếu thấy con đang ở trong môi trường tiêu cực, bố mẹ nên đưa con ra khỏi đó.
- Tránh tiếp xúc với những ảnh hưởng tiêu cực: Hạn chế cho con xem chương trình truyền hình và phim ảnh. Các bé dưới 2 tuổi không nên sử dụng thiết bị điện tử. Các bé lớn hơn chỉ nên xem tivi, điện thoại cùng bố mẹ khoảng 1 tiếng/ ngày. Ngoài ra, không nên để con tương tác với các bé hoặc người lớn có những hình mẫu không tốt. Thay vào đó, bố mẹ hãy cố gắng để trở thành hình mẫu tích cực của con.
- Khi không thể tránh được các tình huống tiêu cực, hãy tận dụng để dạy bảo con: Bố mẹ nên cố gắng tách rời con khỏi những tình huống tiêu cực, nhưng nếu không thể, hãy tận dụng cơ hội này để dạy bảo con. Bố mẹ có thể giải thích những hành vi hữu ích và chấp nhận được thì trông như thế nào và tại sao hành vi tiêu cực lại không được chấp nhận. Hãy nhớ rằng các bé cũng có thể học hỏi từ việc lắng nghe.
Đã chứng nhận:
Trang Do Hanh (1 June 2023)