Phòng ngừa thiếu máu cho con của mẹ
Thiếu máu là tình trạng cơ thể thiếu hụt tế bào hồng cầu. Hồng cầu phụ trách vận chuyển oxy từ phổi đến các mô để đảm bảo cơ thể khỏe mạnh và hoạt động tốt. Khi cơ thể không có đủ hồng cầu, bé thường xanh xao và ốm yếu.
Biểu hiện thiếu máu ở trẻ em
Dấu hiệu phổ biến của tình trạng thiếu máu bao gồm:
- Da xanh
- Môi và lưỡi nhợt nhạt
- Mí mắt và giường móng kém hồng hào
- Thở nhanh bất thường
- Mệt mỏi
- Quấy khóc và các rối loạn hành vi khác
- Tay chân lạnh
- Nhịp tim nhanh
- Chậm tăng trưởng và phát triển
- Chán ăn
- Thường xuyên bị nhiễm trùng
- Thèm ăn đồ lạ và không có dinh dưỡng như nước đá, bụi bẩn, sơn hoặc tinh bột
- Vàng mắt, vàng da, nước tiểu sẫm màu
Nguyên nhân phổ biến gây thiếu máu ở bé
Có 3 nhóm nguyên nhân chính gây thiếu máu ở con:
Thiếu máu do giảm sản xuất hồng cầu: Loại thiếu máu này thường xảy ra khi chế độ ăn của bé thiếu sắt hoặc các chất dinh dưỡng cần thiết để sản xuất hồng cầu. Thiếu máu thiếu sắt là nguyên nhân gây thiếu máu phổ biến nhất ở trẻ em.
Thiếu máu do tăng phá hủy hồng cầu: Loại thiếu máu này thường xảy ra khi bé mắc các rối loạn di truyền như Thalassemia hay bệnh hồng cầu hình liềm.
Thiếu máu do mất máu: Con có thể mất máu qua vết thương hở hoặc mất máu mãn tính qua ruột do không dung nạp thức ăn hoặc nhiễm giun móc nặng.
Những bé nào có nguy cơ thiếu máu thiếu sắt?
- Trẻ sơ sinh nhẹ cân hoặc trẻ sinh non
- Các bé uống sữa công thức không đủ hàm lượng sắt
- Các bé bú mẹ nhưng không được bổ sung sắt sau 6 tháng tuổi
- Các bé từ 1 – 5 tuổi sử dụng sữa bò, sữa dê hoặc sữa đậu nành như nguồn dinh dưỡng chính
- Bé bị thừa cân hoặc béo phì
- Chế độ dinh dưỡng không đủ thực phẩm giàu sắt
- Bé mắc bệnh lý như nhiễm trùng mãn tính hoặc phải duy trì chế độ ăn uống hạn chế
- Bé bị nhiễm độc chì
- Bé gái trong tuổi dậy thì bị mất máu qua kinh nguyệt
Phòng ngừa thiếu máu cho con của mẹ
Những mẹo hữu ích dưới đây sẽ giúp bố mẹ phòng ngừa thiếu máu cho con của mẹ :
Bổ sung sắt cho con: Nếu bú mẹ, con của mẹ sẽ nhận đủ nhu cầu sắt của cơ thể đến 4 tháng tuổi. Sau đó, bố mẹ có thể cho con uống chế phẩm bổ sung sắt và dừng lại khi con ăn được các thực phẩm giàu sắt như gan, lòng đỏ trứng, thịt đỏ băm nhỏ hoặc các loại rau lá xanh như rau chân vịt, bông cải xanh. Với các bé sinh non, bác sĩ có thể kê chế phẩm bổ sung sắt cho con từ 1 – 12 tháng tuổi. Bố mẹ nên tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi cho con sử dụng các chế phẩm bổ sung sắt.
Tăng cường thực phẩm giàu sắt: Khi con của mẹ bắt đầu ăn dặm, bố mẹ nên tăng cường các thực phẩm giàu sắt như các loại đậu (đậu lăng, đậu xanh,…), thịt gà, cá, rau chân vịt và các loại rau lá xanh vào chế độ ăn của con.
Cho con ăn các thực phẩm giàu vitamin C: Vitamin C giúp con hấp thu sắt tốt hơn. Vi chất cần thiết này có mặt trong trái cây họ cam quýt, dưa lưới, dâu tây, ớt chuông, cà chua và các loại rau có màu xanh đậm.
Không cho con uống quá nhiều sữa bò: Với các bé trên 1 tuổi, bố mẹ nên giới hạn lượng sữa bò dưới 700 ml/ ngày.
Sàng lọc bệnh thiếu máu cho bé: Theo Hiệp hội Nhi khoa Hoa Kỳ, con nên được kiểm tra tình trạng thiếu máu thiếu sắt ở giai đoạn 9 – 12 tháng tuổi. Với những bé có nguy cơ cao, con sẽ được bác sĩ tái khám theo hẹn. Ngoài ra, bố mẹ cũng có thể tham khảo ý kiến bác sĩ về kế hoạch bổ sung sắt cho con trong giai đoạn 6 – 24 tháng tuổi.
Đã chứng nhận:
Trang Do Hanh (1 June 2023)