Thực phẩm nào an toàn cho con?
Khi con bắt đầu ăn dặm, bố mẹ nên chú ý lựa chọn thực phẩm an toàn cho con.
Các bé dưới 5 tuổi dễ mắc các bệnh liên quan tới thực phẩm do dạ dày của con chưa sản xuất đủ dịch tiêu hóa và hệ thống miễn dịch còn non yếu. Ngoài ra, trẻ nhỏ dễ bị hóc, nghẹn thức ăn do các cơ vùng hầu họng và thanh quản hoạt động chưa đồng bộ. Vì thế, bố mẹ cần cẩn thận khi cho con ăn.
Thức ăn cần tránh để ngăn ngừa ngộ độc thực phẩm
Các bé dưới 6 tháng tuổi chỉ cần bú sữa mẹ hoặc sữa công thức. Khi con bắt đầu ăn dặm, bố mẹ nên tránh các loại thực phẩm dưới đây:
- Cá và hải sản có vỏ (cua, sò, ốc, hến…) chưa được nấu chín kỹ
- Đồ uống và thức ăn chưa được tiệt trùng như sữa tươi, nước ép trái cây
- Các loại rau mầm như cỏ bốn lá, cỏ linh lăng và củ cải
- Trứng sống và trứng lòng đào để tránh nhiễm vi khuẩn Salmonella
- Thịt sống, thịt tái
- Tránh dùng mật ong cho bé dưới 12 tháng tuổi để phòng tránh ngộ độc Botulinum
Cách bảo quản thực phẩm an toàn cho con
Để đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, bố mẹ cần thực hiện các biện pháp sau:
- Tránh cho con ăn trực tiếp từ hộp đựng thực phẩm vì có thể gây nhiễm khuẩn và ngộ độc.
- Nếu mẹ bị viêm dạ dày ruột, nên hạn chế tối đa chế biến thức ăn cho con (nếu có thể). Tuy nhiên, mẹ vẫn có thể cho con bú.
- Rửa tay sạch sẽ trước khi chế biến đồ ăn cho con.
- Tất cả dụng cụ cho ăn, gồm bình sữa và cốc phải được tiệt trùng trước khi sử dụng, đặc biệt trong 3 tháng đầu sau sinh.
- Nếu dùng máy hút sữa, hãy vệ sinh máy theo hướng dẫn của nhà sản xuất để đảm bảo vệ sinh và an toàn cho con.
- Luôn kiểm tra hạn sử dụng của sữa công thức.
- Tuân thủ hướng dẫn pha và bảo quản sữa công thức được nhà sản xuất ghi trên bao bì.
- Nếu chuẩn bị đồ ăn cho nhiều bữa, hãy làm nguội nhanh chóng và cất vào trong tủ lạnh và chỉ nên sử dụng trong vòng 3 ngày. Nếu cần mang thức ăn ra ngoài, hãy sử dụng túi đá giữ lạnh để bảo quản.
Các thực phẩm có thể khiến con bị hóc, nghẹn
Một vài thực phẩm không được khuyến khích lựa chọn cho trẻ nhỏ vì có thể dẫn đến nghẹn và hít vào đường thở. Trong khi đó, trẻ nhỏ là đối tượng có nguy cơ cao gặp phải tình huống nguy hiểm này. Dưới đây là các thức ăn dễ gây hóc, nghẹn mà bố mẹ cần tránh:
- Thực phẩm có độ dẻo, dính: Kẹo caramel, kẹo dẻo, marshmallow, thạch, trái cây sấy khô và sấy dẻo, kẹo bơ cứng, bơ đậu phộng, kẹo cao su và và các loại kẹo gôm.
- Thức ăn có kích thước nhỏ và cứng: Khoai tây chiên, bánh quy pretzel, các loại hạt, bỏng ngô, ngô nguyên hạt, oliu nguyên hạt, cà chua bi nguyên quả và rau củ quả tươi thái nhỏ.
- Thực phẩm có bề mặt trơn: Các loại quả tròn (như nho, cherry, việt quất), miếng thịt có kích thước lớn, viên kẹo ngậm ho và các loại kẹo cứng.
Cách phòng ngừa hóc, nghẹn thức ăn
Dưới đây là các biện pháp mà bố mẹ nên áp dụng để giảm bớt nguy cơ hóc, nghẹn thức ăn cho con:
- Giám sát con trong bữa ăn
- Chuẩn bị thức ăn mà con có thể cầm nắm và nhai
- Không chơi đùa, chạy nhảy khi đang ăn
- Hướng dẫn con ăn chậm, nhai kỹ
- Biết cách sơ cấp cứu khi con mắc nghẹn như thực hiện Heimlich loại bỏ dị vật và hồi sức tim phổi
Đã chứng nhận:
Trang Do Hanh (1 June 2023)