Bệnh thủy đậu
Sức khỏe của bé

Thủy đậu là một bệnh nhiễm trùng do virus gây ra, dễ lây lan, gây sốt và phát ban đỏ, ngứa khắp cơ thể. Đây là bệnh thường gặp ở các bé dưới 12 tuổi.
Dấu hiệu của bệnh thủy đậu
- Bệnh thủy đậu thường khởi phát với các triệu chứng như đau đầu, đau họng, đau bụng và sốt trong khoảng 38,3° – 38,8°C. Các triệu chứng này có thể kéo dài vài ngày, thường không kèm theo phát ban trên da.
- Phát ban đỏ và ngứa thường bắt đầu xuất hiện ở bụng, lưng và mặt, sau đó lan ra hầu khắp cơ thể.
Ba giai đoạn phát triển của bệnh thủy đậu
- Phát ban thường xuất hiện ban đầu ở dạng nhiều nốt đỏ có kích thước nhỏ, trông giống như mụn trứng cá hoặc vết côn trùng cắn.
- Sau 2 – 4 ngày, phát ban phát triển thành mụn nước có thành mỏng, bên trong chứa đầy dịch.
- Thành của mụn nước sau đó vỡ ra, để lại những vết loét hở, cuối cùng đóng vảy khô và chuyển thành màu nâu.
Nguyên nhân gây bệnh thủy đậu
Bệnh thủy đậu do virus Varicella-Zoster (VZV) gây ra. Sau khi khỏi bệnh, virus này vẫn tồn tại trong hệ thần kinh và có thể tái phát trong tương lai dưới dạng bệnh Zona, một dạng phát ban gây đau, còn gọi là Herpes Zoster.
Trẻ em được tiêm vắc-xin thủy đậu ít có nguy cơ phát triển bệnh Zona khi trưởng thành.
Cách điều trị bệnh thủy đậu
Hiện không có thuốc đặc trị cho bệnh thủy đậu, và virus thường tự biến mất mà không cần điều trị.
Đôi khi cần sử dụng kháng sinh nếu các vết loét bị nhiễm khuẩn do bé gãi mụn nước và vi khuẩn hoặc bụi bẩn xâm nhập vào.
Thuốc kháng virus có thể được kê cho các bé có nguy cơ biến chứng. Bác sĩ sẽ cho mẹ biết liệu thuốc có phù hợp với bé hay không.
Cách chăm sóc bé khi bị bệnh thủy đậu
- Cắt móng tay để bé hạn chế gãi mụn nướC
- Vệ sinh bàn tay sạch sẽ để ngăn ngừa nhiễm trùng
- Đeo găng tay cho bé khi ngủ để tránh gãi
- Chườm khăn mát ướt lên vùng da bị ngứa
- Tắm nước ấm mỗi 3 – 4 giờ Lau khô nhẹ nhàng, không chà xát mạnh
- Nếu bé có mụn nước trong miệng, mẹ nên cho bé ăn các thực phẩm mềm, lạnh, không có vị mạnh
- Tham khảo ý kiến của bác sĩ hoặc dược sĩ về các loại kem giảm đau, ví dụ Paracetamol
Những điều cần tránh
- Không cho bé bị thủy đậu dùng Aspirin vì có thể dẫn đến Hội chứng Reye nghiêm trọng
- Tránh các loại thực phẩm có tính axit hoặc có vị mặn như nước cam, bánh quy mặn
Khi nào cần đi khám bác sĩ?
Hầu hết các trường hợp thủy đậu không cần điều trị y tế đặc biệt. Tuy nhiên, hãy đưa bé đến bệnh viện nếu bé:
- Sốt kéo dài hơn 4 ngày
- Ho nặng hoặc khó thở
- Phát ban rỉ mủ, đỏ, sưng hoặc đau
- Đau đầu dữ dội
- Khó thức dậy
- Khó nhìn vào ánh sáng
- Khó đi lại
- Có dấu hiệu lú lẫn
- Nôn mửa
- Mệt lả
- Cứng cổ