Cúm và cúm mùa
Sức khỏe của bé

Cúm hay cúm mùa, là bệnh nhiễm trùng đường hô hấp do virus gây ra. Bệnh ảnh hưởng đến mũi, họng, phổi và các bộ phận khác của cơ thể. Cúm có thể diễn biến nghiêm trọng, ví dụ gây viêm phổi, đặc biệt nguy hiểm với trẻ nhỏ.
Triệu chứng của cúm:
- Sốt cao đột ngột
- Đau cơ
- Đau đầu
- Ho khan
- Đau họng
- Chảy nước mũi
- Buồn nôn
- Nôn và tiêu chảy
- Ớn lạnh hoặc run cơ
- Chóng mặt
- Chán ăn
Cúm rất dễ lây lan
Cúm rất dễ lây. Khi người bệnh ho hoặc hắt hơi, những giọt tiết kích thước nhỏ chứa đầy virus sẽ phát tán ra môi trường rồi lây bệnh cho những người hít phải. Cúm cũng có thể lây thông qua bàn tay, cốc hoặc các vật dụng đã tiếp xúc với miệng, mũi của người nhiễm bệnh. Trẻ nhỏ có thể lây cúm cho người khác trong vòng hơn 1 tuần sau khi các triệu chứng đã biến mất.
Điều trị cúm
- Nếu bé dưới 2 tháng tuổi, hãy tham khảo ý kiến của bác sĩ
- Nếu bé sốt trên 38,5°C, cho bé uống Paracetamol theo hướng dẫn sử dụng. Hạn chế sử dụng nhóm thuốc NSAIDs như Ibuprofen trừ khi có chỉ định của bác sĩ
- KHÔNG cho bé uống Aspirin vì có thể dẫn đến hội chứng Reye nguy hiểm
- Sử dụng nước ấm hoặc nước muối sinh lý để nhỏ mũi cho bé
- Nếu bé ho và đau họng, hãy tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi sử dụng bất kỳ loại thuốc nào
Nếu bé khó thở hoặc sốt kéo dài hơn 3 ngày, mẹ cần đưa bé đến bệnh viện ngay lập tức.
Phòng ngừa cúm
- Tất cả trẻ em từ 6 – 24 tháng tuổi có nguy cơ cao bị biến chứng khi nhiễm cúm, do đó nên được tiêm phòng cúm hàng năm (nếu có thể)
- Tiêm vắc-xin cho tất cả các thành viên trong gia đình giúp tăng cường bảo vệ trẻ sơ sinh
- Đảm bảo bé rửa tay đúng cách bằng xà phòng, đặc biệt sau khi đi vệ sinh và trước khi ăn
- Hướng dẫn bé che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi