Danh sách kiểm tra sức khỏe tâm thần: Đánh giá sự thay đổi tâm trạng của mẹ là bình thường hay bất thường?
Sức khỏe tâm thần

Thay đổi tâm trạng hoặc trầm cảm trong thai kỳ và trong năm đầu sau sinh có thể xảy ra với bất kỳ phụ nữ nào, ở mọi lứa tuổi, mức thu nhập và chủng tộc.
Chúng tôi đã chuẩn bị danh sách kiểm tra dưới đây nhằm giúp mẹ theo dõi tâm trạng và các triệu chứng của bản thân để mẹ biết liệu những gì mẹ trải qua có bình thường hay không.
Danh sách kiểm tra sức khỏe tâm thần
Dưới đây là một số câu hỏi mẹ có thể tự hỏi bản thân:
- Mẹ có cảm thấy buồn chán hoặc vô cảm không?
- Mẹ có cảm thấy tuyệt vọng không?
- Mẹ có hứng thú với con không?
- Mẹ có cảm thấy khó tập trung không?
- Mẹ có cảm thấy mông lung không?
- Mẹ đã bao giờ cảm thấy lo lắng hoặc hoảng sợ chưa?
- Mẹ có bị đánh trống ngực không?
- Mẹ có thường xuyên cảm thấy tức giận hoặc cáu kỉnh không?
- Mẹ có thường xuyên cảm thấy chóng mặt không?
- Mẹ có thấy khó ngủ khi con ngủ không?
- Mẹ có lo lắng hoặc sợ hãi vô cùng (nhất là về sức khỏe và sự an toàn của con) không?
- Mẹ có bị ám ảnh bởi những ký ức liên quan đến thai kỳ hoặc chuyển dạ không?
- Mẹ đã bao giờ né tránh những thứ liên quan đến chuyển dạ chưa?
- Mẹ có những suy nghĩ đáng sợ và không mong muốn không?
- Mẹ có cảm giác thôi thúc cần lặp lại một hành động nào đó để giảm bớt lo lắng không?
- Liệu có phải mẹ chỉ cần ngủ rất ít nhưng vẫn hoạt động bình thường?
- Mẹ có cảm thấy năng lượng hừng hực hơn bình thường không?
- Mẹ có nhìn thấy hình ảnh hoặc nghe thấy âm thanh mà người khác không nhìn/ nghe thấy không?
- Mẹ đã từng nghĩ tới việc làm hại bản thân hoặc em bé chưa?
Lưu ý: Danh sách kiểm tra này không phải công cụ chẩn đoán mà chỉ là hướng dẫn giúp mẹ tự đánh giá sức khỏe tâm thần của bản thân và biết mình có cần tìm kiếm sự trợ giúp hay không. Nếu mẹ trả lời có cho một hoặc nhiều câu hỏi, mẹ có thể đang gặp một dạng rối loạn sức khỏe tâm thần hoặc một vấn đề về sức khỏe tâm thần cần được giải quyết. Hãy tìm kiếm sự trợ giúp chuyên nghiệp để được chẩn đoán và lên kế hoạch điều trị.
Yếu tố nguy cơ
Biết được các yếu tố nguy cơ của trầm cảm và rối loạn tâm thần sau sinh có thể giúp mẹ giao tiếp hiệu quả hơn với gia đình và bác sĩ để xây dựng kế hoạch chăm sóc bản thân tốt hơn.
Mẹ có nguy cơ cao bị trầm cảm và rối loạn lo âu sau sinh nếu:
- Mẹ từng bị trầm cảm hoặc rối loạn lo âu trong quá khứ
- Mẹ từng bị rối loạn lưỡng cực
- Mẹ từng bị loạn thần
- Mẹ có tiền sử mắc đái tháo đường hoặc bệnh tuyến giáp
- Tiền sử gia đình có người mắc bệnh tâm thần
- Mẹ từng bị hội chứng tiền kinh nguyệt (PMS)
- Mẹ từng trải qua chấn thương hoặc lạm dụng tình dục
- Quá trình mang thai hoặc chuyển dạ của mẹ gặp nhiều chấn thương
- Mẹ từng bị sảy thai hoặc mất con
- Em bé của mẹ nằm trong phòng chăm sóc đặc biệt sau sinh (NICU)
- Mối quan hệ với bạn đời có trục trặc
- Mẹ gặp khó khăn về tài chính
- Mẹ mang thai ở tuổi vị thành niên
- Mẹ là mẹ/ bố đơn thân
- Mẹ thiếu sự trợ giúp, hỗ trợ
- Mẹ đang sống xa quê hương
- Mẹ gặp khó khăn khi cho con bú
Nếu có một hoặc nhiều yếu tố nguy cơ kể trên, mẹ nên theo dõi tâm trạng của mình thường xuyên hơn. Hãy trò chuyện với bạn bè, gia đình để họ có thể theo dõi và phát hiện bất kỳ triệu chứng nào của bệnh trầm cảm. Đồng thời, mẹ cũng nên trao đổi với bác sĩ của mẹ. Với sự giúp đỡ đúng đắn, mẹ có thể khỏi bệnh và ngăn chặn các triệu chứng trở nên trầm trọng hơn.
Lời cảm ơn
Bài viết được thực hiện với sự hợp tác và hỗ trợ của Quỹ Pranaiya & Arthur Magoffin, nhằm cải thiện chất lượng cuộc sống cho bố mẹ và em bé.
Đã chứng nhận:
Trang Do Hanh (1 December 2024)