Lựa chọn thực phẩm cho trẻ nhỏ
Sức khỏe của bé

Trẻ nhỏ và trẻ mới biết đi cần ăn đa dạng nhiều loại thực phẩm để phát triển khoẻ mạnh. Từ chế độ ăn hoàn toàn là sữa mẹ hoặc sữa công thức, con sẽ cần ăn thêm rau củ, ngũ cốc, các loại đậu, một số sản phẩm từ sữa, cá hoặc thịt. Những thực phẩm bé không nên ăn bao gồm đường, đồ ăn vặt nhiều muối, nước ép trái cây và đồ ăn chế biến sẵn.
Sữa và các sản phẩm từ sữa
- Sữa mẹ: là thực phẩm duy nhất con cần trong 6 tháng đầu đời. Mẹ nên tiếp tục cho con bú khi con bắt đầu ăn dặm.
- Sữa công thức: là lựa chọn thay thế phù hợp duy nhất cho sữa mẹ trong 12 tháng đầu.
- Sữa nguyên kem và các sản phẩm từ sữa nguyên kem: Mẹ có thể cho con uống sữa bò nguyên kem từ 1 tuổi trở lên. Nếu con bị dị ứng hoặc không dung nạp sữa bò, mẹ nên tìm các sản phẩm thay thế sữa bò.
- Các loại sữa thay thế: Mẹ có thể cho con uống sữa không đường làm từ đậu nành, hạnh nhân hoặc yến mạch khi con trên 1 tuổi. Các bé dưới 5 tuổi không nên uống sữa gạo vì thức uống này có thể chứa hàm lượng asen cao.
Lưu ý: nếu con uống quá nhiều sữa, con sẽ ăn ít đi và không thể nhận đủ chất dinh dưỡng từ các thực phẩm khác. Khi đó, con có thể bị thiếu sắt, dẫn đến thiếu máu do thiếu sắt và ảnh hưởng đến sự phát triển thể chất, trí tuệ.
Trái cây và rau củ
Trái cây và rau củ chứa nhiều vitamin, khoáng chất và chất xơ. Mẹ nên giới thiệu nhiều loại trái cây, rau củ cho bé ngay từ khi còn nhỏ và bổ sung trái cây, rau củ vào khẩu phần ăn hàng ngày của con. Tất cả các loại trái cây, rau củ đều chứa nhiều vitamin và khoáng chất, do đó cho con ăn càng đa dạng càng tốt.
Carbohydrate và thực phẩm giàu tinh bột
Các loại carbohydrate và thực phẩm giàu tinh bột như gạo, bánh mì, khoai tây, khoai lang, cháo, mì ống và bánh bao là nguồn cung cấp năng lượng, dinh dưỡng và chất xơ rất tốt. Ngũ cốc nguyên hạt như gạo lứt cung cấp nhiều dinh dưỡng hơn so với ngũ cốc thông thường, nhưng không nên cho bé dưới 2 tuổi ăn hoàn toàn ngũ cốc nguyên hạt. Ngũ cốc nguyên hạt chứa nhiều chất xơ và có thể khiến con no trước khi con hấp thụ đủ lượng calo và chất dinh dưỡng cần thiết. Khi con trên 2 tuổi, mẹ có thể dần chuyển sang chế độ ăn hoàn toàn bằng ngũ cốc nguyên hạt.
Protein và sắt
Trẻ nhỏ cần protein và sắt để phát triển. Sắt có 2 dạng:
- Sắt có trong thịt, cá là dạng dễ hấp thu.
- Sắt có nguồn gốc thực vật thường khó hấp thu hơn.
Mẹ nên cho bé ăn 1-2 khẩu phần đậu, cá, trứng hoặc thịt nạc mỗi ngày (thịt gà trắng tốt cho sức khỏe hơn là thịt heo và thịt bò). Nếu con không ăn thịt, cá, con vẫn có thể nhận đủ sắt từ nhiều thực phẩm giàu sắt khác như rau lá xanh đậm, đậu ván và đậu lăng. Các loại hạt cũng chứa nhiều protein nhưng không nên cho bé dưới 5 tuổi ăn hạt nguyên vỏ, bao gồm cả đậu phộng, vì có thể gây hóc nghẹn.
Chất béo trong những năm đầu đời
Trẻ nhỏ, đặc biệt là các bé dưới 2 tuổi, cần năng lượng từ chất béo. Ngoài ra, có một số vitamin chỉ có trong chất béo. Đây là lý do vì sao sữa nguyên kem, sữa chua và các loại cá béo như cá thu, cá hồi rất cần thiết với con. Khi con được 2 tuổi, mẹ có thể chuyển sang sữa ít béo và giảm lượng chất béo trong các thực phẩm khác, đồng thời nên cân nhắc lượng chất béo bão hòa trong chế độ ăn của gia đình. Cách giảm chất béo bão hòa tại nhà như sau:
- Nướng thay vì chiên thực phẩm.
- Giảm lượng thịt trong chế độ ăn. Thay vào đó, nên tăng cường đậu lăng, đậu tách vỏ hoặc đậu khô ngâm.
- Nếu ăn thịt, hãy mua thịt nạc và hớt bỏ mỡ trong các món như thịt băm, cà ri trong khi nấu. Gỡ bỏ da thịt gia cầm.
- Sử dụng càng ít dầu ăn càng tốt. Chọn dầu có hàm lượng axit béo đơn hoặc axit béo đa không bão hòa cao như dầu hạt cải, dầu đậu nành, dầu ô liu. Ở một số quốc gia, dầu có nhãn hiệu dầu thực vật thường là dầu hạt cải.
Đường
Mẹ nên hạn chế tối đa những thực phẩm có đường thêm vào. Đường thêm vào thường có trong nước ngọt có ga, nước ép trái cây, kẹo, bánh ngọt và mứt. Tốt nhất nên cho bé uống nước lọc hoặc sữa. Mẹ cũng có thể cho con uống nước ép trái cây pha loãng (1 phần nước ép với 10 phần nước) trong bữa ăn để giảm bớt nguy cơ sâu răng. Đánh răng thường xuyên cũng rất cần thiết để duy trì sức khỏe răng miệng cho bé.
Muối
Không cần thêm muối vào thức ăn của con vì hầu hết các thực phẩm đã chứa đủ muối và quá nhiều muối có thể khiến con thích đồ ăn mặn, từ đó góp phần dẫn đến bệnh lý tăng huyết áp trong tương lai. Cả gia đình cũng được hưởng lợi khi mẹ giảm bớt lượng muối trong món ăn. Ngoài ra, mẹ nên hạn chế cho bé ăn các món ăn có vị mặn. Thực phẩm chế biến sẵn và đồ ăn vặt từ siêu thị thường chứa hàm lượng muối không lành mạnh rất cao. Tốt nhất không nên mua những thực phẩm này. Thay vào đó, mẹ hãy cố gắng nấu ăn tại nhà để kiểm soát được lượng muối trong đồ ăn.