Rối loạn sức khỏe tâm thần ở phụ nữ mang thai và sau sinh
Sức khỏe tâm thần

Những người mẹ ở mọi nền văn hóa, độ tuổi với mức thu nhập khác nhau đều có nguy cơ phải đối mặt với các vấn đề về sức khỏe tâm thần trước hoặc sau sinh.
Rối loạn sức khỏe tâm thần trước và sau sinh bao gồm trầm cảm, lo âu và rối loạn tâm thần. Những rối loạn này có thể do sự kết hợp của các yếu tố căng thẳng sinh học, tâm lý và xã hội, chẳng hạn như mẹ thiếu sự hỗ trợ. Trong đó, lo âu và trầm cảm là hai rối loạn phổ biến nhất, ảnh hưởng tới khoảng 1 trong 5 phụ nữ sau sinh.
Các loại rối loạn sức khỏe tâm thần
Các triệu chứng của rối loạn sức khỏe tâm thần có thể xuất hiện bất kỳ lúc nào trong thai kỳ và 12 tháng đầu sau sinh. Các rối loạn phổ biến bao gồm:
Baby blues: Xảy ra ở khoảng 2/3 các mẹ sau sinh, thường do sự thay đổi hormone đột ngột sau khi em bé chào đời. Những người mẹ bị Baby blues thường có tâm trạng thất thường, cảm thấy buồn hoặc rơi nước mắt vô cớ.
Những triệu chứng này thường tự biến mất sau vài ngày. Đây là lý do vì sao Baby blues không được coi là một rối loạn sức khỏe tâm thần. Tuy nhiên, nếu các triệu chứng kéo dài hơn 2 tuần, mẹ có nguy cơ bị trầm cảm sau sinh và cần được đánh giá, điều trị bởi chuyên gia.
Trầm cảm trong thai kỳ và sau sinh: Trầm cảm trong thai kỳ và trầm cảm sau sinh là biến chứng sức khỏe tâm thần phổ biến nhất ở phụ nữ có thai và sau sinh. Khoảng 15% các mẹ phải trải qua trầm cảm sau sinh, và tỷ lệ này còn cao hơn ở những phụ nữ có gánh nặng kinh tế.
Phụ nữ bị trầm cảm trong thai kỳ và sau sinh thường có những biểu hiện như:
- Thờ ơ với em bé
- Không còn yêu thích, hứng thú với những điều mà mẹ từng thích
- Tức giận, cáu kỉnh
- Có suy nghĩ tự làm hại bản thân hoặc em bé
- Rối loạn ăn uống và giấc ngủ
- Cảm thấy tội lỗi, xấu hổ hoặc tuyệt vọng
Một số yếu tố có thể làm tăng nguy cơ mắc chứng trầm cảm trong thai kỳ và sau sinh bao gồm:
- Tiền sử cá nhân hoặc gia đình bị trầm cảm, lo âu hoặc trầm cảm sau sinh
- Rối loạn tiền kinh nguyệt (PMDD hoặc PMS)
- Thiếu sự hỗ trợ khi chăm sóc em bé
- Căng thẳng tài chính
- Căng thẳng hôn nhân
- Biến chứng trong thai kỳ, khi chuyển dạ hoặc cho con bú
- Một sự kiện quan trọng mới xảy ra trong cuộc sống: mất tiền, mất người thân, chuyển nhà, thất nghiệp
- Mang thai nhiều lần
- Em bé bị bệnh và đang được điều trị trong Khoa Hồi sức sơ sinh (NICU)
- Cần điều trị vô sinh
- Rối loạn hormone tuyến giáp
- Mắc bệnh lý tiểu đường (type 1, type 2 hoặc tiểu đường thai kỳ)
Lo âu trong thai kỳ và sau sinh
Khoảng 6% phụ nữ mang thai và 10% phụ nữ sau sinh bị rối loạn lo âu. Những người mẹ này có thể bị rối loạn lo âu đơn thuần hoặc kết hợp với trầm cảm.
Dưới đây là những biểu hiện của rối loạn lo âu trong thai kỳ và sau sinh:
- Lo lắng dai dẳng
- Suy nghĩ hỗn loạn
- Rối loạn giấc ngủ và ăn uống
- Bồn chồn
- Cảm thấy điều gì đó tồi tệ sắp xảy ra
- Các triệu chứng về cơ thể như chóng mặt, bốc hỏa, hồi hộp, tê liệt và buồn nôn
Một số yếu tố nguy cơ của rối loạn lo âu, hoảng loạn trong thai kỳ và sau sinh bao gồm:
- Tiền sử cá nhân hoặc gia đình bị rối loạn lo âu
- Trầm cảm hoặc rối loạn lo âu trong lần mang thai trước
- Rối loạn hormone tuyến giáp
Rối loạn ám ảnh cưỡng chế
Ước tính có tới 3 – 5% các mẹ mới sinh và một số ông bố bị rối loạn ám ảnh cưỡng chế (OCD). Tình trạng này có những biểu hiện như:
- Ám ảnh biểu hiện dưới dạng những suy nghĩ dai dẳng, lặp đi lặp lại liên quan đến em bé. Những suy nghĩ này có thể gây khó chịu và không phải là điều mà mẹ từng trải qua trước đây.
- Cưỡng chế là cảm giác cần phải làm những việc nhất định lặp đi lặp lại để giảm bớt nỗi sợ hãi và ám ảnh. Ví dụ dọn dẹp liên tục, kiểm tra mọi thứ nhiều lần và đếm hoặc sắp xếp lại mọi thứ.
- Cảm giác kinh hoàng về nỗi ám ảnh
- Sợ bị bỏ lại một mình với em bé
Rối loạn căng thẳng sau chấn thương sau sinh
Có tới 9% phụ nữ sau sinh mắc chứng rối loạn căng thẳng sau chấn thương sau sinh (PTSD). Tình trạng này thường bắt nguồn từ chấn thương về thể chất hoặc tinh thần trong quá khứ, chẳng hạn:
- Chấn thương gặp phải trong quá trình sinh nở hoặc thời kỳ hậu sản
- Chấn thương do biến chứng nghiêm trọng hoặc chấn thương liên quan đến thai kỳ, sinh nở.
- Cảm giác bất lực, giao tiếp kém hoặc thiếu sự hỗ trợ và trấn an trong quá trình chuyển dạ.
- Chấn thương do bị cưỡng hiếp hoặc lạm dụng tình dục.
Tình trạng này thường có biểu hiện như:
- Hồi tưởng hoặc gặp ác mộng
- Có những suy nghĩ không tự nguyện về chấn thương trong quá khứ.
- Tránh bất cứ điều gì gợi nhớ đến trải nghiệm chấn thương trong quá khứ
- Căng thẳng dai dẳng có thể dẫn đến khó ngủ
- Lo âu và các cơn hoảng loạn.
- Cảm thấy không thực tế và tách biệt
Rối loạn lưỡng cực
Rối loạn lưỡng cực, còn gọi là rối loạn hưng cảm – trầm cảm, là một loại rối loạn cảm xúc, trong đó tâm trạng của người bệnh dao động giữa hai trạng thái: trạng thái cảm xúc thấp (trầm cảm) và trạng thái cảm xúc cao (hưng cảm). Các yếu tố nguy cơ dẫn đến rối loạn này là tiền sử gia đình hoặc tiền sử cá nhân bị rối loạn lưỡng cực.
Các triệu chứng của rối loạn lưỡng cực bao gồm:
- Trạng thái trầm cảm nghiêm trọng
- Trạng thái cảm xúc tốt hơn nhiều so với bình thường
- Nói nhanh
- Nhu cầu ngủ ít
- Suy nghĩ miên man, khó tập trung
- Lo âu
- Luôn cảm thấy tràn đầy năng lượng
- Tự tin thái quá
- Ảo tưởng (thường là vĩ đại, đôi khi hoang tưởng)
- Bốc đồng, phán đoán kém, dễ bị xao nhãng
- Suy nghĩ vĩ đại, cảm giác tự cao phóng đại
- Xuất hiện ảo giác và hoang tưởng khi bệnh ở mức độ nghiêm trọng nhất
Rối loạn tâm thần sau sinh
Khoảng 1/1000 các mẹ bị rối loạn tâm thần sau sinh. Bệnh bắt đầu đột ngột, thường trong vòng 2 tuần đầu sau sinh.
Rối loạn này thường biểu hiện với các triệu chứng như:
- Ảo tưởng hoặc có niềm tin kỳ lạ
- Ảo giác (nhìn hoặc nghe thấy những điều không có thực)
- Vô cùng bực tức, cáu kỉnh
- Tăng động
- Nhu cầu ngủ ít hơn hoặc không thể ngủ
- Hoang tưởng và nghi ngờ
- Tâm trạng thay đổi thất thường
- Đôi khi khó giao tiếp
Các yếu tố nguy cơ đáng kể nhất dẫn đến rối loạn tầm thần sau sinh là tiền sử cá nhân hoặc gia đình bị rối loạn lưỡng cực, hoặc từng có cơn loạn thần trước đó. Theo thống kê, ở những người mẹ bị rối loạn tâm thần sau sinh, tỷ lệ tự tử khoảng 5%, tỷ lệ gây tổn thương con khoảng 4%.
Nếu mẹ cảm thấy mình có dấu hiệu của một trong những rối loạn sức khỏe tâm thần kể trên, hãy nhớ rằng đó không phải lỗi của mẹ và mẹ không đáng trách. Hãy thông báo cho chồng, cố gắng tìm sự hỗ trợ từ những người mẹ có cùng hoàn cảnh và liên hệ với bác sĩ trước khi bệnh tình ảnh hưởng đến sức khỏe của mẹ và bé. Với sự giúp đỡ, mẹ có thể khỏi bệnh và ngăn chặn các triệu chứng trở nên trầm trọng hơn.
Lời cảm ơn
Bài viết về rối loạn sức khỏe tâm thần trong thai kỳ và sau sinh được thực hiện với sự hợp tác và hỗ trợ của Quỹ Pranaiya & Arthur Magoffin, nhằm cải thiện chất lượng cuộc sống cho bố mẹ và em bé.
Đã chứng nhận:
Trang Do Hanh (1 December 2024)
Nguồn:
- DEPRESSION DURING PREGNANCY & POSTPARTUM, Postpartum Support International
- ANXIETY DURING PREGNANCY & POSTPARTUM, Postpartum Support International
- PREGNANCY OR POSTPARTUM OBSESSIVE SYMPTOMS, Postpartum Support International
- POSTPARTUM POST-TRAUMATIC STRESS DISORDER, Postpartum Support International
- BIPOLAR MOOD DISORDERS, Postpartum Support International
- POSTPARTUM PSYCHOSIS, Postpartum Support International
- Different Maternal Mental Health Disorders, 2020mom.org