Táo bón ở trẻ nhỏ
Sức khỏe của bé
Trẻ nhỏ có thể không đại tiện trong nhiều ngày liền, nên không dễ để mẹ phát hiện con bị táo bón. Tìm hiểu những thông tin cơ bản về hệ tiêu hóa của trẻ nhỏ sẽ giúp mẹ hiểu rõ hơn tình trạng của con.
Dấu hiệu táo bón ở trẻ nhỏ
Táo bón không chỉ liên quan đến tần suất đại tiện của bé mà còn đặc biệt liên quan đến việc con khó đại tiện. Mặc dù táo bón ở trẻ nhỏ không phổ biến, nhưng dưới đây là một số dấu hiệu có thể giúp mẹ nhận biết con bị táo bón:
- Phân cứng hoặc vón cục
- Đại tiện khó khăn khiến bé gồng mình, cong lưng hoặc khóc thét
- Đại tiện ít hơn bình thường, 3 ngày mới đi một lần
- Bụng căng hoặc chướng
- Không hứng thú với thức ăn
- Phân đen hoặc phân lẫn máu
Tần suất đại tiện bình thường ở trẻ nhỏ thay đổi tùy thuộc vào độ tuổi và chế độ ăn của bé. Trẻ nhỏ thường rặn khi đại tiện vì cơ bụng yếu. Vì vậy, nếu bé đại tiện phân mềm sau vài phút rặn, thì chưa chắc bé đã bị táo bón.
Làm gì khi con bị táo bón?
Táo bón thường xảy ra khi bé bắt đầu ăn dặm. Nếu mẹ nghi ngờ con của mẹ bị táo bón, hãy thử những cách đơn giản dưới đây:
- Cho con của mẹ uống nước lọc hoặc nước ép trái cây: Với bé trên 6 tháng tuổi đã bắt đầu ăn dặm, mẹ có thể cho con uống một ít nước lọc hoặc nước ép táo, mận, lê nguyên chất hàng ngày. Những loại nước ép này chứa sorbitol, một chất có tác dụng nhuận tràng tự nhiên. Mẹ có thể bắt đầu cho con uống 60 – 120ml mỗi ngày, và tăng lên 180ml khi bé trên 12 tháng tuổi.
- Chọn thức ăn phù hợp: Ưu tiên thực phẩm giàu chất xơ khi bé bắt đầu ăn dặm.
- Nhẹ nhàng gập đầu gối của con về phía ngực: Gập đầu gối về phía ngực giúp tăng áp lực bụng, từ đó con sẽ đại tiện dễ dàng hơn so với tư thế nằm ngửa. Mẹ cũng có thể tập thể dục nhẹ nhàng cho con bằng cách di chuyển chân bé giống như đang đạp xe đạp.
- Tắm nước ấm: Tắm nước ấm giúp cơ vòng hậu môn thư giãn, từ đó dễ dàng tống phân ra ngoài hơn.
- Dùng thuốc thụt hậu môn glycerin: Cách này giúp kích thích nhu động ruột của bé, nhưng mẹ nên tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi sử dụng.
Dù bé khó đại tiện đến mức nào, mẹ tuyệt đối không được cho bé sử dụng dầu khoáng, thuốc nhuận tràng kích thích, thuốc thụt tháo hoặc bất kỳ loại thuốc nào khác, trừ trường hợp được bác sĩ kê đơn.
Khi nào cần liên hệ bác sĩ?
Nếu tình trạng táo bón vẫn kéo dài dù mẹ đã thay đổi chế độ ăn uống và thực hiện các biện pháp hỗ trợ tại nhà, hãy liên hệ với bác sĩ nhi khoa. Ngoài ra, nếu táo bón kèm theo các dấu hiệu bất thường khác như nôn trớ, mệt mỏi, mẹ cũng nên đưa bé đi khám. Trong một số trường hợp hiếm gặp, táo bón ở trẻ nhỏ có thể do các bệnh lý tiềm ẩn như giãn đại tràng bẩm sinh, suy giáp hoặc bệnh xơ nang.
Đã chứng nhận:
Trang Do Hanh (1 December 2024)