Táo bón
Dấu hiệu mang thai
Táo bón là tình trạng đau bụng hoặc khó chịu ở bụng, kèm theo đại tiện khó khăn, không thường xuyên và phân cứng. Khoảng 50% phụ nữ mang thai bị táo bón vào một thời điểm nào đó trong thai kỳ.
Nguyên nhân gây táo bón khi mang thai là gì?
Hai nguyên nhân chính dẫn đến táo bón ở mẹ bầu là do hormone thai kỳ gây giãn các cơ ở ruột và do tử cung đè ép lên ruột. Hậu quả là thức ăn và phân di chuyển chậm hơn trong ống tiêu hóa.
Những nguyên nhân phổ biến khác có thể gây ra táo bón cho mẹ bầu bao gồm:
- Lo lắng và lo âu
- Ít hoạt động thể chất
- Chế độ ăn ít chất xơ
- Uống bổ sung sắt có thể gây táo bón ở một số mẹ bầu
Làm thế nào để ngăn ngừa và điều trị chứng táo bón khi mang thai?
Dưới đây là một số biện pháp mà mẹ có thể thực hiện để ngăn ngừa và điều trị táo bón trong thai kỳ:
- Tăng cường thực phẩm giàu chất xơ như trái cây, rau xanh và các loại ngũ cốc
- Uống nhiều nước, lý tưởng nhất là 10 – 12 cốc nước mỗi ngày. Kết hợp chế độ ăn giàu chất xơ và uống nhiều nước là cách tốt nhất để loại bỏ chất thải ra khỏi cơ thể mẹ bầu.
- Vận động thường xuyên. Đi bộ, bơi lội hoặc tham gia các bài tập có cường độ vừa phải có tác dụng kích thích nhu động ruột.
- Giảm liều hoặc dừng bổ sung sắt hoặc đổi sang chế phẩm khác. Nếu bổ sung sắt khiến mẹ bị táo bón, mẹ nên thông báo với bác sĩ để được kiểm tra nồng độ sắt trong máu và điều chỉnh liều bổ sung sao cho phù hợp.
Khi nào mẹ nên đi khám bác sĩ?
Nếu mẹ đã thay đổi chế độ ăn uống và vận động nhiều hơn nhưng tình trạng táo bón vẫn không cải thiện, mẹ nên tham khảo ý kiến của bác sĩ. Không nên tự ý uống thuốc nhuận tràng trừ trường hợp bác sĩ kê đơn.